Câu hỏi của bạn Hoàng Thế Thái tại hòm thư kts.thethai@yahoo.com.vn hỏi :
Hiện nay tôi đang phụ trách giám sát thi công hạng mục Nhà làm việc của cơ quan cấp huyện. Trong quá trình thi công dầm sàn cốt +3.900, Nhà thầu đã ko tuân thủ các quy phạm kỹ thuật thi công hiện hành (TCVN 4453-1995):
– TVGS chưa đồng ý nghiệm thu ván khuôn, cốt thép nhưng Nhà thầu đã tiến hành đổ bê tông dầm sàn.

– Nhà thầu tổ chức đổ bê tông trong lúc mưa mà ko có phương án che chắn bảo vệ mặt sàn vừa đổ xong. Thời gian đổ bê tông kéo dài đến 23h nhưng ánh sáng phục vụ thi công không đạt yêu cầu.

– Do không làm tốt khâu chuẩn bị nên khi trời mưa to, một số xe bê tông mắc lầy dẫn đến thời gian lưu giữ bê tông tới gần 4 tiếng (vượt quá thời gian quy định theo tiêu chuẩn TCVN 4453-1995). TVGS đã lập biên bản hiện trường tạm dừng thi công nhưng Nhà thầu không chấp hành vẫn ngoan cố đem đổ các xe bê tông này vào công trình.

TVGS đã báo cáo toàn bộ sự việc bằng văn bản với Chủ đầu tư. CĐT đã triệu tập các bên để xử lý. Phía Nhà thầu chống chế rằng đã sử dụng phụ gia cho bê tông nhưng trước đó không hề có sự thoả thuận nào với TVGS, Ban QLDA của CĐT về việc sử dụng phụ gia, chủng loại gì cũng như phương án sử dụng như thế nào. Việc này cũng trái với tiêu chuẩn TCVN 4453-1995.

Nhà thầu thi công bất chấp các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật hiện hành xong vẫn chống chế đảm bảo chất lượng sản phẩm đơn vị mình thi công. Phía Nhà thầu yêu cầu được kiểm định chất lượng.

Để có thêm cơ sở kiên quyết đấu tranh với cách làm việc tuỳ tiện của Nhà thầu và để đảm bảo chất lượng cho công trình, tôi muốn hỏi Bộ Xây dựng một số vấn đề:

– Theo TCVN 4453-1995 thi thời gian lưu giữ bê tông (không dùng phụ gia) từ 30′ đến 90′ tuỳ theo điều kiện nhiệt độ môi trường, còn đối với bê tông có phụ gia thì thời gian trên là bao nhiêu, hoặc phải xác định thời gian đó bằng cách nào?

– Nếu phải kiểm định chất lượng cho hê thống dầm sàn cốt +3.900 này thì phải dùng phương pháp nào?

Những ý kiến trả lời của Bộ Xây dựng sẽ giúp tôi cùng nhóm TVGS có thêm cơ sở lập luận để trình bày với CĐT xử lý sự việc trên hiệu quả nhất nhằm đảm bảo chất lượng công trình và tránh sự lãng phí không cần thiết.

Sau khi nghiên cứu, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có ý kiến như sau:

Theo thông tin của bạn thì nhà thầu đã không tuân thủ các quy định về Quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với công tác chuyển bước thi công tại Điều 23 Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2009 của Chính Phủ, đồng thời không tuân thủ các quy định về kỹ thuật đối với công tác thi công bê tông. Theo quy định, việc tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng như bạn nêu được giải quyết theo Điều 20 Thông tư 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng. Về các ý kiến bạn đọc hỏi:

1. Trong tiêu chuẩn TCVN 4453-1995 cũng đã nêu rõ “Thời gian cho phép lưu hỗn hợp bê tông trong quá trình vận chuyển cần được xác định bằng thí nghiệm trên cơ sở điều kiện thời tiết, loại xi măng và loại phụ gia sử dụng”. Vì vậy bạn cần xem lại đặc tính kỹ thuật của loại xi măng và phụ gia nhà thầu đã sử dụng và thí nghiệm để xác định thời gian lưu hỗn hợp bê tông.

2. Hiện nay có nhiều phương pháp kiểm tra chất lượng bê tông như: kiểm tra, đánh giá thông qua quan trắc đo đạc; kiểm tra cường độ bê tông bằng súng bật nẩy và đo siêu âm; khoan lấy nõn bê tông của cấu kiện để thí nghiệm xác định cường độ bê tông; kiểm tra, tính toán lại kết cấu công trình trên cơ sở các kết quả đo đạc, thí nghiệm; …. Mỗi phương pháp kiểm định chất lượng có những ưu nhược điểm khác nhau. Tuỳ theo các tồn tại thực tế về chất lượng tại công trình, tổ chức thực hiện kiểm định sẽ đưa ra phương pháp kiểm định phù hợp để Chủ đầu tư xem xét, lựa chọn.

 
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng