Câu hỏi của bạn Le Xuan Phuc tại hòm thư lxphuc@dcmstudios.com.vn hỏi : |
“Chúng tôi là đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc DCM Vietnam Limited đang thực hiện gói thầu tư vấn thiết kế cho công trình Trường đại học Quốc tế RMIT giai đoạn II, Q7, Tp. Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư là RMIT International UniversityVietnam. Chúng tôi có vấn đề cần hỏi như sau: Xin được hướng dẫn rõ hơn về công tác giám sát tác giả kiến trúc: Theo quy định của bộ luật xây dựng, điều 58 và điều 77 thì “Giám sát tác giả là hoạt động giám sát của người thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình nhằm bảo đảm việc thi công xây dựng theo đúng thiết kế”. Vậy đơn vị thiết kế có bi bắt buộc phải thực hiện công tác giám sát tác giả kiến trúc trong quá trình thi công xây dựng hay không? Ngoài văn bản luật xây dựng có quy định về quyền giám sát tác giả, thì còn có các văn bản luật, thông tư, nghị định nào đề cập đến, quy định rõ hơn về quyền giám sát tác giả không? Liên quan đến cán bộ giám sát tác giả thực hiện công tác này cần phải đạt các yêu cầu gì và được quy định ở văn bản nào?” |
Sau khi nghiên cứu, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có ý kiến như sau: 1. Theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng thì Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình không chỉ có quyền “ Quyền tác giả đối với thiết kế công trình” mà còn có nghĩa vụ “ Giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng”. Hơn thế nữa, Điều 77 của Luật Xây dựng lại khẳng định nghĩa vụ này. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 57 của Luật Xây dựng thì khi nhà thầu thiết kế không thực hiện nghĩa vụ giám sát tác giả thì chủ đầu tư có quyền “ Yêu cầu nhà thầu thiết kế thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết”. Nếu nhà thầu thiết kế cũng vẫn không thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư thì căn cứ điểm d khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng mà chủ đầu tư có thể xử lý : hủy bỏ hợp đồng, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại ( nếu có) do không giám sát tác giả … 2. Quyền giám sát tác giả thiết kế không những được quy định tại Luật Xây dựng mà còn được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác sau: a) Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1994. b) Thông tư liên tịch 04/2003/TTLT/ BVHTT-BXD ngày 24 tháng 01 năm 2003 của Bộ Văn hoá – Thông tin- Bộ Xây dựng “ Hướng dẫn về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc”. c) Chương XXXIV Bộ Luật Dân sự 2005 về “Quyền tác giả và quyền liên quan “ d) Điều 22 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng đ) Khoản 3.5 mục III của Thông tư 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng”. 3. Điều 77 của Luật Xây dựng đã quy định Nhà thầu thiết kế phải “Cử người có đủ năng lực để giám sát tác giả theo quy định; người được nhà thầu thiết kế cử thực hiện nhiệm vụ giám sát tác giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm của mình trong quá trình thực hiện nghĩa vụ giám sát tác giả và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Khoản 1 Điều 22 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP đã quy định cụ thể về yêu cầu cán bộ giám sát tác giả đó là “ Nhà thầu thiết kế xây dựng công trìnhcử người đủ năng lực để thực hiện giám sát tác giả theo quy định trong quá trình thi công xây dựng”. Cũng theo quy định tại khoản 28 Điều 3 của Luật Xây dựng thì “Giám sát tác giả là hoạt động giám sát của người thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình nhằm bảo đảm việc thi công xây dựng theo đúng thiết kế”, bởi vậy nhà thầu thiết kế không được thuê tổ chức thiết kế khác không trực tiếp thiết kế để thực hiện giám sát tác giả. Do thiết kế kiến trúc chỉ là một phần trong thiết kế công trình xây dựng, bởi vậy, nhà thầu thiết kế buộc phải thực hiện nghĩa vụ giám sát tác giả tác phẩm kiến trúc của mình trong quá trình thi công xây dựng.
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng |