Cuộc tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” diễn ra chiều ngày 20-10 đã nêu ra nhiều hướng đi nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để ngành vật liệu xây dựng giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu, từ đó giúp giảm giá thành công trình, góp phần tăng hiệu quả ngành xây dựng.

Tọa đàm nêu trên là một trong các hoạt động trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (1991-2021).

Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Tại buổi lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã gửi lời chúc mừng đến Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (SACA), bên cạnh đó ông cũng ghi nhận những đóng góp tích cực và thiết thực đối với sự phát triển chung của đất nước và ngành xây dựng, ngày càng khẳng định uy tín và vai trò của hiệp hội trong đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh kỳ vọng SACA sẽ tiếp tục xây dựng bồi đắp thêm các giá trị cốt lổi, đảm bảo phát huy được sức mạnh tổng hợp vững chất của hiệp hội. Quan tâm nâng cao nhân lực, đổi mới phương thức và tăng cường trong công tác tư vấn và các chính sách chủ động tăng cường phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng thể chế chính sách pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành xây dựng nói chung, ngành vật liệu xây dựng nói riêng để thúc đẩy công nghệ ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiến tới ngành vật liệu xây dựng giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo. Bên cạnh đó, thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo, hình ảnh xây dựng, vật liệu xây dựng, góp phần làm tăng hiệu quả ngành xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh (bên trái) gửi hoa chúc mừng đến Chủ tịch SACA, ông Lê Viết Hải. Ảnh: Lê Vũ

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao quá trình ngày càng phát triển của SACA. Theo ông, hiệp hội quy tụ những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản và vật liệu xây dựng ở TPHCM và các tỉnh lân cận, kể cả trong lẫn ngoài nước, có đội ngũ nhân lực giỏi nghề, tham gia tích cực trong việc xây dựng nhiều công trình mang tính hình ảnh cho thành phố. Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa cho các hội viên, tăng cường kết nối giao lưu và xúc tiến thương mại để hỗ trợ cùng nhau phát triển. Ngoài ra, SACA cũng góp phần tích cực nỗ lực chăm sóc an sinh xã hội của TPHCM, đặc biệt trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao quá trình ngày càng phát triển của hiệp hội. Ảnh: Lê Vũ

“Trong thời gian tới, thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hiệp hội SACA tiếp tục đồng hành với chính quyền thành phố trong các chương trình nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động thu nhập thấp cũng như tích cực tham gia chương trình di dời nhà ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ, xây dựng các khu đô thị hiện đại”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nói thêm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hòa Bình (bên phải) trao tặng bằng khen cho ông Lê Viết Hải, Chủ tịch SACA, và ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký SACA. Ảnh: Lê Vũ

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội SACA, chia sẻ đến nay, hiệp hội có gần 300 hội viên doanh nghiệp và cá nhân, trong đó quy tụ những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc, bất động sản của TPHCM và các doanh nghiệp uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đang hoạt động tại TPHCM. Tổng doanh thu của các hội viên SACA năm 2020 ước tính gần 35.000 tỉ đồng.

Kinh tế Sài Gòn Online