Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so điều kiện thực tế, khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ.

Tại tọa đàm “Thị trường vật liệu xây dựng – những điểm nghẽn và giải pháp” do Viện Vật liệu xây dựng và Công ty cổ phần Eurowindow, cùng 8 hội – hiệp hội nghề nghiệp đồng tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Lương Đức Long, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm 2022.

 LƯỢNG TIÊU THỤ THÉP THÔ GIẢM 22%

Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ diễn ra ở mỗi ngành xi măng, mà với ngành thép, “sản xuất thép thô 4 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 22% so cùng kỳ năm 2022, tương tự lượng tiêu thụ giảm 18%, xuất khẩu giảm 78%. Ngoài ra, trong sản xuất thép thành phẩm các loại, sản xuất thép xây dựng giảm 26,4%, bán hàng giảm 26% so cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu giảm 41,7% so cùng kỳ năm 2022”, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái phản ánh.

Đồng thời theo đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tình trạng còn trì trệ với cả thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép, khi sản xuất của các loại này lần lượt giảm 5,3%; 39,1%; 24,1%; 13% so cùng kỳ năm 2022; và bán hàng lần lượt giảm 17,9%; 28,4%; 24,6%; 15,1% so cùng kỳ năm 2022”.

Cũng chia sẻ câu chuyện ảm đạm ngành mình, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết Việt Nam từng nhiều năm xếp thứ 4 về sản lượng sản phẩm sản xuất ceramic trên thế giới. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, sản xuất và kinh doanh đã sụt giảm 30-35%, đặc biệt, năm 2022 lẫn quý 1/2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như đóng băng cả sản xuất lẫn lưu thông…

“Bắt đầu năm 2021, lượng sản xuất của ngành chỉ đạt 50 – 60% sản lượng đầu tư đã ảnh hưởng tới hiệu quả chung toàn ngành. Thị trường trong nước chủ yếu tê liệt, đặc biệt là đầu năm 2023. Tuy vậy, tồn kho nội địa vẫn có 18-20% sản phẩm không tiêu thụ được. Giữa bối cảnh ấy, các doanh nghiệp bắt buộc phải tiếp tục cắt giảm sản xuất!”, đại diện Hiệp hội thông tin.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam, ngành kính và thủy tinh cũng không khả quan hơn mấy. Cụ thể, đại diện Hiệp hội dẫn chứng, năm 2019 lượng tiêu thụ của khối doanh nghiệp sản xuất kính đạt 298-333 triệu m2 QTC; năm 2020: 210-228 triệu m2 QTC; năm 2021: 182-203 triệu m2 QTC, nhưng sang năm 2022 sụt xuống với lượng tiêu thụ 179-213 triệu m2 QTC, đến 5 tháng đầu năm 2023 thấp hẳn còn 54-82 triệu m2 QTC.

Với tình hình ảm đạm, “Giai đoạn năm 2020-2021, doanh thu ngành kính, thủy tinh có lúc giảm 50-70%. Tiếp theo, 4 tháng đầu năm 2022 khi thị trường bất động sản đi vào chu kỳ suy giảm nghiêm trọng, từ thời điểm đó đến nay, nhu cầu của thị trường bất động sản với sản phẩm kính xây dựng lại càng thấp, đã gây ra tác không nhỏ đến sản xuất kinh doanh. Năm 2023, doanh thu toàn ngành khoảng 6 tháng đầu ước sụt 70-80% so cùng kỳ, đánh dấu một thời kỳ suy giảm kéo dài, liên tục”, ông Thọ trình bày.

CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH SẢN XUẤT 

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc, vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay đang phát triển rất cao với sản lượng lớn, vượt so nhu cầu sử dụng trong nước khoảng 10-30% tùy từng thể loại. Đặc biệt, công nghệ ngành vật liệu xây dựng Việt Nam dần tiệm cận công nghệ tiên tiến trên thế giới ở tất cả các lĩnh vực: xi măng, kính, gạch ốp lát… cho nên, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam đang tiến gần hơn tới chất lượng sản phẩm của thế giới. Thế nhưng do điều kiện kinh tế suy giảm ảnh hưởng nhiều đến ngành, nên Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ cho ngành vật liệu xây dựng.

“Điển hình như xi măng, ngay lúc này việc thuế xuất khẩu tăng, thì mặc dù nghị định ban hành nhưng đề nghị xem xét giãn thời gian. Còn với thực tế lãi suất các ngân hàng giảm ít, Ngân hàng nhà nước không thể can thiệp sâu hơn vì nguyên tắc giao dịch là thực hiện giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mà ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Do đó từ điều kiện trong nước lẫn xuất khẩu, các hiệp hội nên nghiên cứu triết giảm sản lượng sản xuất để tương ứng thực tế.

“Điều này nhiều nước làm rồi, bởi sản lượng tiêu thụ chỉ như thế nếu công suất quá lớn, mạnh ai nấy làm chắc chắn không ổn. Các hiệp hội phải đồng lòng giảm từng bước. Nghĩa là không tạo ra nguồn cung lớn sẽ không tạo áp lực lớn. Đồng thời nội tại doanh nghiệp phải quản trị tốt đơn vị nhằm tiết giảm chi phí, sao cho giá giảm, tạo ra sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam lại kiến nghị Nhà nước về chính sách hỗ trợ giải tỏa vướng mắc liên quan đến pháp lý, giúp sớm triển khai dự án, khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện, cơ chế luật pháp rõ ràng cho các hình thức huy động vốn, để những dự án xây dựng thương mại tư nhân tiếp tục gia tăng, mở nguồn tiêu thụ cho sản phẩm vật liệu xây dựng.

Mặt khác, thúc đẩy giải ngân, triển khai dự án đầu tư công mạnh mẽ, tạo động lực và nguồn việc dồi dào cho ngành xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng. Nhanh chóng giải ngân nguồn vốn vay mua nhà xã hội giúp khơi thông vốn và nhu cầu nhà ở thực tế. Qua đó giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho ngành xây dựng và thị trường vật liệu xây dựng.

Theo vneconomy.vn