Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành khởi tố những chủ đầu tư có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng trái quy định của pháp luật kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Kể cũng lạ, ở nước Việt Nam mình, luật đã có đủ, mọi hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân đều phải nghiêm trị, thế mà nay lại phải có công văn đề nghị thì hành vi ấy mới bị coi là dấu hiệu phạm tội.
Sẽ có người chợt nhớ đến vụ án “cướp bánh mì” xảy ra cách đây ít lâu ở Thủ Đức (TP.HCM). Vào một đêm khuya, hai em thiếu niên đói bụng, không có tiền nên đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (Q.Thủ Đức) hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì chúng giật phăng và bỏ chạy. Số hàng bị cướp giật có giá 45 nghìn đồng.
Sau đó, hai em bị bắt và tạm giam 8 tháng 20 ngày. Khi ra tòa, các em khai rằng vì quá đói nên mới thực hiện hành vi, không biết là phạm tội, rồi nước mắt ngắn nước mắt dài xin Tòa giảm nhẹ hình phạt để được tiếp tục đi học. Thế nhưng các em vẫn bị tuyên án.
Đấy, pháp luật nước mình nghiêm đến như thế!
Nay đến việc chủ đầu tư chiếm dụng, sử dụng trái pháp luật kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, nếu tính trên cả nước là hàng trăm vụ với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, vậy mà hết khiếu nại này đến khiếu nại khác, hết văn bản trình lên lại đến văn bản gửi xuống… mà không ai coi đấy là một hành vi phạm tội(!?).
Cứ nghĩ 2% là nhỏ nhưng thực chất, con số này là rất lớn. Ta lấy ví dụ như sự việc 5 năm đòi phí bảo trì của các cư dân Chung cư Keangnam (Hà Nội). Được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2011 đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đ/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của BQT khoảng 160 tỷ đồng (phía chủ đầu tư Keangnam thông báo chỉ là 125 tỷ đồng).
Thôi thì chỉ tính 125 tỷ đồng, nếu đem gửi ngân hàng với lãi suất thời điểm đó có lúc lên đến 13 – 15% một năm, vậy 5 năm kia, chủ đầu tư đã “cướp” không của cư dân ở đây bao nhiêu tiền? Sơ ra đã 60 – 70 tỷ đồng!
So với vụ án “cướp bánh mì” đã nêu ở trên, một bên 45 nghìn đồng và một bên là 60 – 70 tỷ đồng; một bên là vị thành niên và một bên là những người dày dạn trong hiểu biết pháp luật; một bên là tù tội, còn một bên thì mặc nhiên tồn tại… mới thấy kẽ hở trong khoảng cách pháp lý của nước mình nó “khủng” đến mức nào?
Thiết nghĩ, khoảng cách này rất cần phải xóa bỏ!
Báo Xây dựng