Thời gian qua, Bộ Xây dựng luôi coi công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tập trung chỉ đạo thực hiện. Bộ Xây dựng đã đạt được thành công nhất định.

Tăng cường phân cấp, phân định rõ trách nhiệm

Mới đây nhất, tháng 3/2018, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Theo đó, thời gian cấp giấy phép xây dựng rút ngắn từ 166 ngày xuống còn 120 ngày, giảm 46 ngày.

Chỉ thị 08/CT-TTg là một trong những kết quả quan trọng mà Bộ Xây dựng đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước, thời gian qua.

Trước đó, cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ thành công nhất của Bộ Xây dựng trong năm 2017. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng Hoàng Quang Nhu nhận định: Nghị định 42/2017/NĐ-CP là nghị định quan trọng, tháo gỡ được các vướng mắc của hoạt động xây dựng trong thời gian qua. Nghị định đã tăng cường phân cấp, ủy quyền của Bộ Xây dựng cho các địa phương, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM, cũng như một số bộ, ngành; phân định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư, đồng thời cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp… Nghị định cũng đã tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Xây dựng, như vấn đề về BQLDA, về quy trình thẩm định, vấn đề cấp phép xây dựng.

Qua phân cấp, ủy quyền, số hồ sơ đưa về Bộ Xây dựng giảm 75%. Hoạt động xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực, thay vì thực hiện, hướng dẫn thì chuyển sang kiểm tra, phối hợp với các địa phương để kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh luôn từ cơ sở. Theo số liệu chưa đầy đủ của các địa phương, năm 2017, số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm 13,2% so với năm 2016.

Cũng trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng theo hướng làm rõ, minh bạch hóa, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN và người dân…

Bên cạnh việc trình ban hành 2 nghị định quan trọng trên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh, thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 06/10/2017, với phương án đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực: Xây dựng (11 thủ tục); nhà ở (7 thủ tục); kinh doanh BĐS (3 thủ tục); xử phạt vi phạm hành chính (1 thủ tục). Bộ Xây dựng đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định và 10 Thông tư thuộc các lĩnh vực nêu trên theo thủ tục rút gọn để thực thi phương án đơn giản hóa.

Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh

Cũng theo bà Tống Thị Hạnh, nhằm tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm bớt điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Bộ đã có những đề xuất mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm trong việc bỏ đi điều kiện mang tính cục bộ của ngành.

Theo dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Bộ quản lý, thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho DN.

Bộ Xây dựng đã rà soát, đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trong tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng hiện nay đang được quy định tại Luật và Nghị định của Chính phủ. Trọng tâm là giảm yêu cầu về kinh nghiệm, nhân lực, lĩnh vực phải cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS; bãi bỏ, thay thế các điều kiện đã được quy định tại pháp luật có liên quan hoặc không cần thiết; đơn giản hóa trình tự, thủ tục hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực.

Bà Tống Thị Hạnh cho biết, trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng; đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng; giải quyết các bất cập trong lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, bất cập trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; bãi bỏ, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hoạt động xây dựng, cố gắng thúc đẩy để năm 2018 cấp được giấy phép chứng chỉ năng lực thông qua mạng, bỏ cấp trực tiếp…

Sự đồng tình từ doanh nghiệp

Cảm nhận về hiệu quả cải cách thủ tục hành chính Bộ Xây dựng chính xác nhất là các DN. Ông Cao Đăng Hoạt – Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Ruby, cho biết: Trong năm 2016 – 2017, Tập đoàn Ruby có triển khai nhiều dự án, trong đó dự án Phước Kiển, quy mô gần 100ha ở Q.7, TP.HCM. Từ khi nộp hồ sơ đến khi có được chứng nhận đầu tư, DN mất chưa đầy 1 tháng. Ông Hoạt nhận định: Đây là sự thay đổi về mặt thủ tục hành chính… ngoài sức tưởng tượng.

Theo ông Hoạt, yếu tố cốt lõi để quy trình thủ tục dự án diễn ra nhanh hơn là bởi Bộ Xây dựng đã có những chính sách liên quan đến cải cách thủ tục hành chính rất cụ thể. Bộ có đội ngũ cán bộ tại các đơn vị chức năng nhiệt tình. Khi hồ sơ của DN chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, cán bộ Bộ Xây dựng đóng vai trò là nhà tư vấn, phản biện, giúp đỡ, hỗ trợ các DN hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhờ đó, các dự án được triển khai rất hiệu quả.

Ông Hoạt nhận định: Thủ tục hành chính giảm, tạo thuận lợi cho DN chính là góp phần đem lại nguồn lợi cho nhà đầu tư. Ví dụ, với một dự án 2.000 – 3.000 tỷ đồng, thủ tục xong sớm sẽ giúp cho nhà đầu tư có được dòng tiền thanh khoản tốt, tăng lợi nhuận và giảm lãi vay ngân hàng. Nhà đầu tư thực sự chỉ mong thủ tục nhanh và có dòng tiền thanh khoản tốt để đầu tư kinh doanh có lãi.

Trong tương lai, khi Bộ triển khai nộp hồ sơ qua mạng, các DN có thể ngồi tại trụ sở, nộp các thủ tục liên quan đến các dự án qua cổng điện tử một cửa, mà không phải đi lại, mất thời gian… thì đó là một sự đột phá của ngành Xây dựng, tạo ra đòn bẩy, cú hích đối với các nhà đầu tư – ông Hoạt nói.

Ghi nhận những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, năm 2017, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ tiêu cấp phép xây dựng của Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, tăng 4 bậc (từ 24/190 nền kinh tế của năm 2016 lên vị trí 20/190 nền kinh tế), điểm tăng 0,14% (từ 78.89 lên 79.03) và được ghi nhận giảm chi phí thực hiện thủ tục cho DN. Kết quả này cho thấy Việt Nam đang tiến gần hơn tới chuẩn mực của nền kinh tế có thực tiễn tốt nhất.

Báo Xây dựng