Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng vừa ban hành có nhiều nội dung đổi mới về chỉ tiêu thống kê phù hợp thực tiễn và pháp luật hiện hành.


Ảnh minh họa.

Rà soát và ban hành mới

Thông tư số 05/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của Bộ Xây dựng ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng đến nay đã hết hiệu lực. Qua gần 6 năm triển khai, Thông tư 05 không chỉ bộc lộ một số hạn chế mà việc ban hành Luật Thống kê 2015 và Nghị định số 81/2017/NĐ ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng cũng dẫn đến sự cần thiết phải rà soát, xây dựng và ban hành mới Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng cho phù hợp.

Theo ông Đàm Đức Biên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Xây dựng), qua gần 6 năm triển khai thực hiện Thông tư 05 cho thấy: Thứ nhất, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng còn thiếu một số chỉ tiêu phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước các lĩnh vực của ngành Xây dựng là các chỉ tiêu về an toàn lao động, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, công sở… Một số chỉ tiêu khó thu thập hoặc không còn phù hợp, cần sửa đổi hoặc thay thế.

Thứ hai, danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 05 gồm 33 chỉ tiêu, trong đó có 12 chỉ tiêu thống kê quốc gia liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và 21 chỉ tiêu thống kê thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Đến nay, khi Luật Thống kê năm 2015 có hiệu lực, các chỉ tiêu thống kê quốc gia liên quan trực tiếp đến ngành Xây dựng chỉ còn 06 chỉ tiêu.

Trong đó Bộ Xây dựng được giao chủ trì thu thập, tổng hợp và chuyển Tổng cục Thống kê thẩm định công bố 02 chỉ tiêu (Chỉ số giá xây dựng; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung). Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp 04 chỉ tiêu (Chỉ số giá bất động sản; Diện tích sàn xây dựng nhà ở hoàn thành; Số lượng nhà ở, tổng diện tích nhà ở hiện có và sử dụng, diện tích nhà ở bình quân đầu người).

Thứ ba, theo quy định mới, các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ không đưa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành mà chỉ xây dựng chế độ báo cáo để thu thập, tổng hợp.

Vì vậy, cần thiết phải rà soát, xây dựng, ban hành mới Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng phù hợp với quy định của Luật Thống kê năm 2015.

Quá trình soạn thảo ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng mới, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị liên quan, trong đó các cục, vụ chức năng đã chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc loại bỏ các chỉ tiêu thống kê liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của từng cục, vụ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến góp ý của các Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh dự thảo, gửi Tổng cục Thống kê thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Luật Thống kê 2015 trước khi ban hành.

16 chỉ tiêu bổ sung mới

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng mới gồm 33 chỉ tiêu, chia thành 4 nhóm lĩnh vực: Nhóm chỉ tiêu về hoạt động đầu tư xây dựng (9 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về phát triển đô thị và nông thôn (16 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về nhà ở, bất động sản và công sở (7 chỉ tiêu); Nhóm chỉ tiêu về vật liệu xây dựng (1 chỉ tiêu).

Ông Đàm Đức Biên cho biết: Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng được bổ sung mới 16 chỉ tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ngành Xây dựng trong các lĩnh vực: Hoạt động xây dựng, an toàn lao động, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, bất động sản và công sở.

Cụ thể: Có 03 chỉ tiêu liên quan đến hoạt động xây dựng (Tổng số công trình khởi công mới trên địa bàn, tổng số giấy phép xây dựng được cấp và số công trình vi phạm quy định trật tự xây dựng trên địa bàn), có 01 chỉ tiêu liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng (Tổng số công trình xây dựng được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng), có 01 chỉ tiêu về an toàn lao động (Tổng số sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình), có 02 chỉ tiêu về kiến trúc (Tỷ lệ lập thiết kế đô thị riêng và tỷ lệ lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị), có 04 chỉ tiêu về hạ tầng đô thị (Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, khối lượng chất thải rắn xây dựng được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng và tổng số chiều dài đường đô thị), có 05 chỉ tiêu về nhà ở, bất động sản và công sở (Số lượng nhà ở, diện tích nhà ở công vụ hiện có và sử dụng, tổng diện tích nhà ở theo dự án hoàn thành trong năm, chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản, chỉ số lượng giao dịch bất động sản và công sở cơ quan hành chính Nhà nước).

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng mới có 03 chỉ tiêu chỉnh sửa, bổ sung hoặc giảm bớt nội hàm gồm: Chỉ tiêu tổng số căn hộ nhà ở, diện tích nhà ở được xây dựng theo các chương trình phát triển nhà được chỉnh sửa thành chỉ tiêu tổng số nhà ở và tổng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành trong năm; Chỉ tiêu tỷ lệ số người chết do tai nạn lao động được chỉnh sửa thành tổng số người chết do tai nạn lao động trong thi công xây dựng công trình; Chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng được chỉnh sửa thành tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng mới giữ nguyên 14 chỉ tiêu và loại bỏ 16 chỉ tiêu.

Song hành với việc ban hành mới Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng cũng ban hành đồng thời Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Xây dựng để hướng dẫn các Sở Xây dựng, đơn vị liên quan thực hiện thu thập thông tin thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ thống kê ngành Xây dựng phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng.

Bộ cũng đã giao cho Trung tâm Thông tin thực hiện Dự án Hệ thống thông tin thống kê ngành Xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 nhằm phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quy trình thống kê trực tuyến của ngành Xây dựng đảm bảo kết nối, cập nhật, phân tích dự báo thống kê nhanh chóng, kịp thời, thông suốt từ Bộ tới các Sở Xây dựng và các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng.

Theo Báo Xây dựng