“Ngày ấy, đường về Bó Siu còn chưa có, toàn đường mòn men theo những con đồi thôi. Từ trường về nhà phải đi qua con suối lớn, chị thì không biết bơi, anh Tài bảo, cứ qua đi,… có anh đây rồi”, chị Đặng Thị Lưu nghẹn ngào.
Người con gái đầu tiên của Bó Siu được biết tới con chữ
Những năm 80, người Dao ở Bó Siu, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, Yên Bái rất ít người biết tới con chữ.
“Hồi ấy con gái không được đi học đâu, con gái là phải lấy chồng, sinh con, ở nhà phụ giúp bố mẹ thôi” – chị Đặng Thị Lưu, em gái út của Phó Bí thư Thường trực xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, Yên Bái – rơm rớm nước mắt nói về người anh trai của mình, anh Đặng Phúc Tài vừa bị cuốn đi trong cơn lũ dữ sáng sớm 20.7 vừa qua.
Không tin vào sự thật rằng anh trai đã ra đi, chị Lưu mắt sưng húp, phải mất nhiều phút bình tĩnh chị kể lại được cho phóng viên báo Lao Động nghe hành trình tìm tới con chữ của mình.
“Bố mẹ tôi không biết chữ, anh Tài là người đầu tiên ở đây đi học. Tôi là út, khi anh lớn và thành công rồi, anh quay về và động viên mãi tôi đi học, để biết tới con chữ, để thoát ly ra ngoài. Thế là anh lại lo hồ sơ, thủ tục cho tôi về học tại trường Dân tộc nội trú ở Nghĩa Lộ. Tôi là người con gái đầu tiên của thôn Bó Siu này được đi học. Và tất cả cũng là nhờ anh Tài thôi” – chị Lưu nghẹn ngào chia sẻ.
“Ngày ấy chưa có cầu Bó Siu, đi học xa, mấy tháng tôi mới về. Hồi ấy hình như tôi học lớp 9, về nhà thì con suối nước lớn quá, tôi lại không biết bơi, anh Tài phải xuống đón. Anh giục tôi lội qua, mà tôi không dám. Anh phải bơi qua để bế tôi qua suối về nhà” – em gái út của anh Tài nói trong nước mắt.
“Cứ qua đi, qua đi… có anh đây rồi, không phải sợ đâu” – là câu nói chị Lưu nhớ nhất về người anh trai của mình.
Anh Tài đi thật rồi…
57 tuổi, Phó Bí thư Đặng Phúc Tài từng là Chủ tịch UBND xã Nậm Mười 2 khoá. Trong mắt bà con thôn Bó Siu, anh Tài luôn là người tới tận nhà vận động các gia đình cho con em đi học.
“Sáng sớm 20.7, trời Bó Siu mưa như thác đổ, mưa to lắm, phải từ năm 70 tới giờ mới có trận mưa lớn như thế. Anh Tài gọi điện cho tất cả Bí thư chi bộ ở Nậm Mười lệnh phải di tản dân lên vùng an toàn, phải đi ngay, vì sợ có lũ quét” – ông Đặng Kim Thọ, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Mười, cũng là hàng xóm của anh Tài xúc động chia sẻ.
Kể về những khó khăn của một xã vùng cao, nằm tít sâu trong núi rừng Yên Bái, ông Thọ nói: “Ở đây người dân khổ lắm, mãi mới có được chút đường bê tông, ngày xưa toàn đường đất thôi. Thế nhưng cứ có việc là Tài lại tự lội bộ xuống với bà con. Nó chăm chỉ, thật thà và tốt lắm”.
Trong buổi sáng định mệnh ấy, con suối giữa thôn Bó Siu hiền hoà bỗng dữ dằn hẳn lên, từng dòng nước đỏ au cứ chảy xuống từ phía những ngọn đồi, đá lởm chởm thường ngày cũng chẳng thấy đâu, chỉ toàn bọt nước.
“Chạy đi…, anh chỉ kịp nói câu ấy, chỉ có thế thôi. Anh kịp cứu được cái Pham. Giờ nó đang ở viện đa khoa Văn Chấn rồi, chỉ kịp nói thế thôi, dòng lũ đã cuốn anh đi rồi” – chị Lưu, em gái út của anh Tài nghẹn ngào với phóng viên.
“Anh ấy đi thật rồi, đi thật rồi…”, chị Lưu lại nấc lên từng tiếng.
Anh đi chẳng có đường, anh về đường cũng chưa thông
Căn nhà của Phó Bí thư Thường trực xã Nậm Mười Đặng Phúc tài nằm nép bên quả đồi không tên, cây xanh phủ bóng mát cả ngày.
Nhà có 7 anh chị em, bố mẹ lại nhận nuôi thêm 1 người con nữa là 8. Bố mẹ già, là anh cả, anh Tài được các em coi như người cha thứ 2.
“Ngày ấy đói khổ lắm, tôi là con nuôi nhưng anh Tài thương tôi lắm. Các em đói, anh phải lội bộ đường rừng lên tít Văn Yên thồ ngô tẻ của người Mông về cho bọn tôi ăn” – anh Đặng Kim Vương, người con nuôi trong gia đình Phó Bí thư Tài, xúc động.
Những năm 80, 90, Bó Siu chỉ vài nóc nhà nằm sát những quả đồi cao, chẳng có cầu, vào Bó Siu phải lội qua suối. Đói khổ, người Dao nơi đây phải đi đào củ mài, củ chuối để ăn.
“Nhà đông con, 14 khẩu, các em bé quá, anh Tài phải đi đào củ mài, củ chuối về nuôi các em”, ông Kim nghẹn ngào.
Trong khói hương nghi ngút bên linh cữu Phó Bí thư Thường trực xã Nậm Mười Đặng Phúc Tài, vợ và các em ruột của anh cứ ngồi đó, mắt thẫn thờ, hai hàng lệ cứ tuôn.
“Ngày anh đi ra ngoài học, Bó Siu làm gì có đường, cứ men rừng mà đi thôi. Về tới Nghĩa Lộ phải mấy chục cây số, thế mà anh vẫn đi. Cho tới hôm đón anh về, trời vẫn mưa như thác đổ. Dưới con suối, nước vẫn cuồn cuộn thôi, mọi người phải vất vả lắm. Anh đi chẳng có đường, tới khi anh về đường cũng chẳng thông” – chị Lưu nói trong nước mắt.
Sau khi bị lũ cuốn trôi, người ta tìm thấy thi thể của anh Đặng Phúc Tài ở mãi bản Tủ, xã Sơn Lương, Văn Chấn, Yên Bái – cách nhà anh khoảng 17km đường chim bay.
Thi thể anh được quàn ở Bệnh viện đa khoa Văn Chấn, mãi chiều 21.7 mới được đưa về nhà làm đám tang theo phong tục của người Dao nơi đây.