Vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã tiếp Tập đoàn tư vấn xây dựng Apave làm việc về nhiều vấn đề trong ngành Xây dựng như an toàn lao động, vận hành bảo trì, xử phạt nhà thầu….
Toàn cảnh cuộc tiếp đón.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng hoan nghênh Đoàn đại biểu của Tập đoàn Apave đến thăm và làm việc cùng Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng cho biết, kể từ năm 2000 đến nay, thị trường xây dựng ở Việt Nam cơ bản tăng trưởng, mỗi năm tăng trung bình khoảng 7% – 10%. Tổng đầu tư xã hội cho xây dựng khoảng 50 – 60 tỷ USD/năm, bao gồm khoảng 30 tỷ USD đầu tư cho xây dựng cơ bản.
Trong đó, đầu tư bằng vốn Nhà nước ước chừng khoảng 30%, đầu tư bằng nguồn vốn FDI khoảng 30% và đầu tư của tư nhân chiếm khoảng 40%. Trong 30 tỷ USD, khoảng 60% đầu tư vào lĩnh vực xây dựng dân dụng, chủ yếu là nhà ở.
Về lĩnh vực an toàn trong thi công xây dựng, sự ra đời của Luật An toàn, vệ sinh lao động khiến toàn bộ vấn đề an toàn trong xây dựng chuyển từ ngành Lao động thương binh và xã hội sang ngành Xây dựng quản lý.
Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn lao động và số người chết chiếm khoảng 1/3 các vụ tai nạn lao động nói chung. Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định, đây là một vấn đề rất nhức nhối đỏi hỏi Bộ Xây dựng phải có biện pháp để giảm thiểu.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn cháy nổ và kiểm soát an toàn trong vận hành công trình tại Việt Nam cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống pháp luật xoay quanh vấn đề này cũng còn hạn chế, chưa thực sự đi vào đời sống.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nói chuyện với Tập đoàn Apave.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng đang xuất hiện ngày càng nhiều, bắt buộc các Tập đoàn tư vấn như Apave phải tự đổi mới bản thân để phù hợp với thị trường.
Chia sẻ trong cuộc nói chuyện, Phó Chủ tịch Tập đoàn Apave Lê Văn Phúc cho biết: Những vấn đề Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề cập đã cho thấy sự phát triển của Việt Nam và Apave cũng đã gặp những vấn đề này tại Pháp. Chính vì vậy, Apave hoàn toàn có thể góp phần giải quyết một số vấn đề về xây dựng tại Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Apave chia sẻ kinh nghiệm xây dựng ở Pháp.
Trong quá khứ, Tập đoàn Apave từng mời chuyên viên của Bộ Xây dựng sang Pháp học tập kinh nghiệm để về áp dụng trong nước. Apave cũng có rất nhiều kinh nghiệm tổ chức an toàn xây dựng tại Pháp.
Theo ông Lê Văn Phúc, vấn đề quan trọng là tổ chức an toàn trong khi xây dựng chứ không phải chỉ kiểm tra an toàn xây dựng có được thực hiện tại công trường hay không. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Thực tế, luật pháp ở Pháp quy định, các doanh nghiệp, cá nhân đều sẽ bị tòa án phạt rất nặng, nếu gây ra tai nạn lao động. Chính vì thế, các công ty tư vấn xây dựng như Apave sẽ phải đặt ra cách thức, theo dõi vấn đề an toàn lao động thực sự nghiêm túc chứ không phải chỉ làm cho có lệ.
Trước đó, Tập đoàn Apave từng mời một Đại tá có nhiều kinh nghiệm về cứu hỏa trực tiếp chia sẻ tại một khách sạn ở Hà Nội để cho mọi người biết cách tổ chức vấn đề an toàn cháy nổ ở Pháp như thế nào. Trong tương lai, Apave vẫn sẵn sàng cử chuyên viên sang chia sẻ kinh nghiệm với Bộ xây dựng về các vấn đề an toàn trong xây dựng, ngay cả khi không thu về dự án nào.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã cảm ơn và khẳng định, Bộ xây dựng rất muốn trao đổi với Tập đoàn Apave trong nhiều vấn đề xây dựng tại Việt Nam.
Trước hết, Thứ trưởng cho biết, hoạt động xây dựng, pháp luật, trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến vấn đề duy tu, bảo trì, vận hành các công trình xây dựng trong lĩnh vực dân dụng ở Việt Nam chưa được rõ ràng.
Các chủ thể vận hành tự nhiên, hỏng đâu sửa đấy chứ không hề có tổ chức bài bản. Chính vì thế, Bộ Xây dựng rất mong muốn có thể xây dựng các điều luật, tiêu chuẩn làm rõ trách nhiệm của chủ thể trong việc vận hành hệ thống bảo trì công trình, an toàn cháy nổ, an toàn kết cấu…
Hiện nay, số lượng người dân ở chung cư tại Việt Nam ngày càng tăng lên, kéo theo những vấn đề vận hành bảo trì ngày càng nhức nhối. Bộ Xây dựng mong muốn Tập đoàn Apave sẽ trao đổi vấn đề đánh giá bảo trì độc lập ở Việt Nam vốn chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, vấn đề xử lý, xử phạt các nhà thầu cũng là một vấn đề rất nóng tại Việt Nam. Hiện nay, việc xử lý xử phạt các nhà thầu có lỗi tại Việt Nam rất kém, các nhà thầu hầu như không bị phạt. Điều này khác hoàn toàn với những gì đang diễn ra tại Pháp.
Theo báo Xây dựng