Nhận định này được ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội nghị Thường vụ BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ IV (2016 – 2021) diễn ra tại Quảng Ninh chiều 11/6.
Theo đó, sau khi lắng nghe báo cáo tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2018 cũng như đề xuất, kiến nghị của một số doanh nghiệp bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thị trường bất động sản thời gian qua (nguồn cung, giá bán, giao dịch…) phát triển tương đối tốt, lành mạnh, ổn định.
Trong đó, cơ cấu sản phẩm đã dần được điều chỉnh một cách hợp lý. Bên cạnh việc phát triển tương đối mạnh các sản phẩm cao cấp, bất động sản du lịch, các doanh nghiệp đã có sự tham gia vào việc triển khai các sản phẩm bình dân, góp phần giảm bớt được sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản, đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân ở các phân khúc nhà thương mại giá rẻ.
“Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện, thời gian qua VNREA đã thể hiện được vai trò trong việc kết nối các doanh nghiệp bất động sản, kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tham mưu, phản biện chính sách. Đặc biệt là lĩnh vực của ngành xây dựng, Bộ nhận được rất nhiều văn bản đóng góp ý kiến tích cực từ Hiệp hội, đưa tiếng nói từ nguyện vọng của doanh nghiệp truyền tải đến cơ quan Nhà nước, từ đó có tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá.
Tham gia Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội còn trực tiếp tham gia vào các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án. Vừa qua, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao cho thực hiện một số đề án và Hiệp hội đã trực tiếp tham gia vào công việc này.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có nhiều hoạt động rất sôi nổi, mà theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, đây là một Hiệp hội có hoạt động tích cực, thể hiện vai trò và dấu ấn trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giúp cho việc quản lý Nhà nước tốt hơn, thực tiễn hơn
Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị trong thời gian tới, Hiệp hội quan tâm hơn và cùng tham gia thực hiện thêm một số nhiệm vụ, đó là công tác phản biện chính sách một cách khách quan.
Theo Thứ trưởng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một quy trình lâu dài, nhất là công tác lấy ý kiến của doanh nghiệp, bộ ngành, chuyên gia khoa học… “Trong quá trình này cần thiết có sự góp ý, trình bày, phản biện của các nhân tố liên quan để tránh tình trạng khi quy định đã được thông qua mới phát hiện ra một số vấn đề hạn chế”, ông Sinh nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội vận động doanh nghiệp tích cực tham gia vào các đề án phát triển, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người lao động thu nhập thấp và công cuộc cải tạo chung cư cũ, bên cạnh việc đầu tư vào các dự án đang là thế mạnh của doanh nghiệp; Vận động hội viên chấp hành nghiêm túc các chính sách của pháp luật trong đó có việc quản lý vận hành nhà chung cư, công tác PCCC tại các công trình.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, thời gian quan, qua số liệu báo cáo của 43 địa phương, có 225 dự án xảy ra tranh chấp khiếu nại. Trong số đó, nguyên nhân chính xảy ra tranh chấp là vấn đề tranh chấp sở hữu chung riêng (36%), tranh chấp liên quan đến sử dụng quỹ bảo trì 2% (39%). Nguyên nhân còn lại đến từ chất lượng nhà chung cư, công tác PCCC, thành lập ban quản trị dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân.
Về các nội dung liên quan đến tính pháp lý của nhà ở, bất động sản, trong đó có loại hình condotel, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu xem xét các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để thời gian tới trình Chính phủ sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn. Về cơ bản, các quy định về pháp luật trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản khá đầy đủ và hoàn chỉnh, các thông tư hướng dẫn hết sức rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình thực hiện.
“Trước hết, Bộ Xây dựng là một trong những đầu mối phải làm rõ hơn tính pháp lý của condotel. Hiện Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch ban hành quy chuẩn cho loại hình này. Trước mắt, Bộ vẫn sử dụng khái niệm căn hộ du lịch, không dùng condotel”, Thứ trưởng cho biết.
Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng sẽ đề xuất lên Chính phủ để sớm cấp 3.000 tỷ đồng còn lại cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Về quản lý nhà chung cư, thời gian tới sẽ có chỉ đạo trong đó tăng cường công tác thanh, kiểm tra để trước hết thực hiện tốt quy định, xem xét tác động của chính sách đối với hoạt động này, từ đó có điều chỉnh phù hợp.
Đáp lại những ghi nhận và ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam khẳng định, thời gian tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đổi mới trong nội bộ của Hiệp hội, tăng cường hơn tổ chức nhân sự, có nghiên cứu và tham gia thiết thực hơn vào công tác xây dựng chính sách pháp luật. Cụ thể, sẽ đăng ký những buổi làm việc trực tiếp với các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực bất động sản để trao đổi các đóng góp, ý kiến./.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)