Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch, đề xuất Danh mục Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (QCKTXD). Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn tham dự Hội thảo.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng chỉ đạo: Cần mạnh dạn đề xuất danh mục QCKTXD với số lượng, tên gọi, đối tượng điều chỉnh cụ thể
Ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, QCKTXD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg, ngày 09/02/2018 (Đề án 198).
Đề án có mục tiêu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, QCKTXD đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; Đảm bảo an toàn trong xây dựng; Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia”.
Ông Vũ Ngọc Anh nhận định: “Cùng với sự phát triển của ngành Xây dựng trong hơn 60 năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), bao gồm cả hệ thống tiêu chuẩn, QCKTXD ngày càng được đổi mới, đóng vai trò quan trọng và đóng góp vào những thành tựu của Ngành.
Đến nay, đã hình thành được một hệ thống QCKT tương đối đầy đủ, do Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan ban hành. Hệ thống QCKT này là công cụ đắc lực để quản lý, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, quản lý an toàn trong thi công và sử dụng công trình xây dựng, góp phần nâng cao năng suất chất lượng của ngành, đảm bảo hiệu quả đầu tư xây dựng”.
Bên cạnh những ưu điểm, hệ thống tiêu chuẩn, QCKTXD vẫn còn tồn tại một số bất cập. Thực hiện nhiệm vụ của Đề án 198 và để có công cụ pháp lý quản lý, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cùng nhau rà soát lại hệ thống QCKT hiện hành, từ đó quy hoạch lại và đề xuất Danh mục QCKTXD tiên tiến, đồng bộ, mang tính hội nhập.
Toàn cảnh Hội thảo
Hệ thống QCKTXD phải tạo điều kiện cho việc áp dụng các công nghệ xây dựng mới, tiên tiến, phù hợp với các yêu cầu chất lượng công trình xây dựng, góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đồng thời đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất đai, tiết kiệm thời gian trong thiết kế, thi công công trình; loại bỏ các thủ tục hành chính không liên quan đến kỹ thuật (các rào cản hành chính), giúp rút ngắn thời gian lập dự án…
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiệm vụ quy hoạch, đề xuất danh mục QCKTXD. TS. Đinh Quốc Dân – Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cho biết: “Hệ thống QCKTXD hiện hành có 44 QC, trong đó Bộ Xây dựng biên soạn, ban hành 16 QC, các Bộ, ngành liên quan ban hành 28 QCVN”.
Hệ thống QCKTXD này vừa là công cụ trong thiết kế, xây dựng công trình, vừa là quy định pháp luật để các cơ quan chuyên môn thẩm định, kiểm tra chất lượng công trình, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Số lượng QCKTXD của Việt Nam so với các nước là nhiều nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng đòi hỏi của xã hội, chưa phủ hết các đối tượng xây dựng. Hơn thế, hệ thống QC còn có sự mâu thuẫn, trùng lặp lẫn nhau giữa các QC do các Bộ cùng ban hành điều tiết cùng một đối tượng.
Số lượng quy chuẩn nhiều nhưng thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu liên kết giữa các bộ chuyên ngành nên đã gây khó khăn trong quá trình áp dụng vào các hoạt động sản xuất của ngành.
Về chất lượng, hệ thống QCKTXD còn tồn tại một số quy định cứng rải rác trong các QC, gây cản trở trong đầu tư xây dựng, do không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Từ thực trạng của hệ thống QCKTXD hiện hành, TS. Nguyễn Đại Minh – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng đề xuất danh mục bộ QCKTXD giai đoạn 2021 – 2030 với 2 phương án. Phương án thứ nhất, danh mục gồm 22 QC, thừa kế các QC hiện có và bổ sung các đối tượng cần QC hóa theo yêu cầu của Việt Nam; Phương án 2, đổi mới tinh gọn hệ thống QC hiện có và chỉ đề xuất 15 QC trong danh mục.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng việc soát xét và bổ sung hệ thống QCKTXD rất quan trọng và cần phải xác định đúng đối tượng cần QC hóa. Không để QC chồng lấn lên nhau, tạo ra rào cản trong thực tế thiết kế, thi công xây dựng.
Hệ thống QCKTXD phải đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước trong quản lý lĩnh vực xây dựng; phải tạo điều kiện tốt nhất phải cho kỹ thuật xây dựng trong nước phát triển cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học quốc tế một cách nhanh nhất vào các dự án xây dựng tại Việt Nam.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Đối tượng điều chỉnh của hệ thống QCKTXD là vật thể, gồm đồ án quy hoạch, công trình xây dựng và VLXD. QCKTXD là QC quốc gia về xây dựng, phục vụ chung toàn ngành, toàn quốc, do vậy không xem xét ban hành QC địa phương”.
Thứ trưởng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan soát xét hệ thống QCKTXD hiện hành, làm rõ các nội dung chồng lấn từ đó đề xuất sắp xếp lại cho hợp lý và nghiên cứu bổ sung các QC còn thiếu.
Đặc biệt, cần mạnh dạn đề xuất danh mục các QCKTXD với số lượng, tên gọi, đối tượng điều chỉnh, cùng lộ trình và kế hoạch thực hiện cụ thể.
Danh mục QCKTXD đề xuất sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan sẽ trình Ban chỉ đạo Đề án 198 xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo biên soạn các QC kịp thời, đúng tiến độ.