Là nhận định của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn khi đề cập đến sự trưởng thành của đội ngũ tư vấn Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Xây dựng.


Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn.

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về sự phát triển của lực lượng tư vấn thời gian qua?

– Tư vấn của Việt Nam hiện nay đang có sự chuyển đổi về chất. Trước những năm 1990, lực lượng tư vấn chủ yếu nằm trong các đơn vị Nhà nước, làm việc thụ động theo kế hoạch và yêu cầu công việc được giao. Ngày nay, lực lượng tư vấn chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, tự bươn chải và trưởng thành hơn nhiều. Tư vấn đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị trường. Sự hòa nhập giữa người tư vấn với thị trường rất rõ ràng.

Thứ nữa, tư vấn Việt Nam đang có xu hướng chuyển đổi về chất, mang tính quốc tế. Tư vấn Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) và từng bước hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Thứ ba, lực lượng tư vấn Việt Nam có sự bùng nổ về lượng. Luật Doanh nghiệp đã tiếp sức cho sự ra đời của nhiều Cty tư vấn, nhiều văn phòng thiết kế ở khắp các địa phương. Nếu thời bao cấp, mỗi tỉnh chỉ có 1 – 2 Cty tư vấn thì nay nhiều tỉnh có đến 200 – 300 Cty tư vấn. Ngay cả những tỉnh miền núi cũng có vài chục Cty tư vấn. Lực lượng tư vấn lớn mạnh đã đáp ứng được các yêu cầu phát triển của các địa phương.

Thứ tư, trên thị trường đang có một xu hướng tốt, đó là sự liên kết giữa đơn vị tư vấn ở địa phương và đơn vị tư vấn ở Trung ương. Tùy thuộc năng lực tư vấn ở địa phương, giữa các đơn vị liên kết có sự phân công khá rành mạch công việc trong thị trường.

Thứ năm, từ khi tham gia vào FIDIC, năng lực tự chủ của các KTS, kỹ sư trong nước tốt lên, có thể đảm nhận những công việc mà xưa nay phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài. Điển hình là sự trưởng thành của tư vấn trong lĩnh vực thiết kế cầu đường, cấp thoát nước. Tư vấn gần như đã vươn lên làm chủ, không lệ thuộc vào nước ngoài như trước đây.

Trong lĩnh vực dân dụng, những công trình như tòa cao nhất Việt Nam (81 tầng) cũng do tư vấn trong nước đảm nhiệm, dù vẫn còn chuyên gia nước ngoài bên cạnh.

Tư vấn Việt Nam đã vươn đến tất cả các lĩnh vực như lập dự án, giám sát công trình, thiết kế, thiết kế triển khai, cung cấp các dịch vụ tư vấn… Đó là sự tiến bộ, sự đa dạng trong nghề nghiệp của cộng đồng tư vấn.

Trong bối cảnh hội nhập thì đâu là cơ hội và thách thức của lực lượng tư vấn Việt Nam, thưa ông?

– Tôi nhận thấy đang có sự hợp tác rất tốt giữa tư vấn trong nước và nước ngoài, phù hợp với thị trường. Trước đây tư vấn trong nước làm thuê cho các Cty tư vấn nước ngoài thì giờ đã có rất nhiều Cty tư vấn trong nước lớn mạnh, thu hút và thuê KTS, kỹ sư nước ngoài làm việc. Đơn cử như Cty của KTS Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hoàng Mạnh… Một số công việc như thiết kế mặt đứng công trình, tư vấn Việt Nam chưa làm chủ được thì họ cũng liên kết với tư vấn nước ngoài để cùng hoàn thành công việc.

Đặc biệt, tư vấn Việt Nam đã bắt đầu vươn ra nước ngoài như Cty GK Archi tại Myanma đã giành được nhiều thành công. Sau Myanma, GK Archi tiếp tục chinh phục thị trường Bangladesh, Mông Cổ. Mới đây nhất GK Archi tuyên bố tiến quân vào thị trường Singapore. Đây là tư tưởng tốt cần khuyến khích. Tư vấn Việt Nam không còn quanh quẩn trong “ao nhà” mà đã bắt đầu vươn ra “biển lớn”. Giá mà Nhà nước đổi mới nhanh hơn về chính sách tư vấn thì với trí thông minh và năng lực người Việt Nam, tư vấn sẽ không chỉ phát triển như hiện nay.

Chính sách về tư vấn mà ông vừa đề cập là gì, thưa ông?

– Hội nhập quốc tế không tránh khỏi được làn sóng tư vấn nước ngoài vào Việt Nam và cũng không thể yêu cầu chủ đầu tư không hướng ngoại. Vấn đề ở đây là chính sách phải đảm bảo công bằng và thiết kế phí tương xứng.

Tôi lấy ví dụ, Trung Quốc có những quy định khi tư vấn nước ngoài vào làm việc thì phải có các điều kiện cụ thể. Sau giai đoạn ý tưởng, đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn nước ngoài bắt buộc phải để tư vấn Trung Quốc cùng làm. Việt Nam thiếu những quy định quan trọng này. Bởi được cùng làm thì tư vấn trong nước mới mau tiến bộ.

Đáng nói hơn nữa là hiện nay thiết kế phí của tư vấn trong nước thấp, chỉ bằng 1/3 – 1/5 so với tư vấn nước ngoài. Một KTS uy tín hàng đầu Việt Nam chủ trì thiết kế một công trình nhưng thiết kế phí chỉ bằng 1/3 thiết kế phí của tư vấn nước ngoài thiết kế nội thất của chính công trình đó. Đây là sự vô lý.

Theo tôi, trong hội nhập quốc tế, để tư vấn trong nước phát triển nhanh hơn, trước tiên tư vấn trong nước phải học tập, phải quen nếp làm việc nghiêm túc, theo thông lệ quốc tế và vươn lên bằng năng lực, tài năng của mình. Thứ nữa, phải có sự tôn trọng, tin tưởng tư vấn trong nước, có những chính sách bảo đảm sự bình đẳng trong hành nghề giữa tư vấn nội- ngoại, như vậy mới khắc phục được tình trạng vô lý tôi vừa đề ví dụ ở trên và sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhanh hơn. Thông qua hợp tác quốc tế, tư vấn trong nước được đào tạo tại chỗ, trưởng thành nhanh hơn và sớm tự chủ hơn. Sau cùng, nhất thiết phải điều chỉnh thiết kế phí hợp lý hơn…

Vậy môi trường hành nghề tư vấn Việt Nam cần những gì, thưa ông?

– Theo tôi, cần có luật về tư vấn xây dựng, cần hệ thống luật pháp đủ điều kiện để khuyến khích phát triển tư vấn trong nước, đồng thời thu hút tư vấn nước ngoài đến làm việc trong môi trường hành nghề bình đẳng. Đối với Luật Kiến trúc mà Bộ Xây dựng đang chủ trì biên soạn, Hội KTS Việt Nam đang tích cực tham gia với quan điểm đây là cũng trách nhiệm của Hội KTS chứ không phải là công việc riêng của Bộ.

Hội và Bộ đã có những nhận thức chung và đang tiếp tục bàn về nội hàm của luật, theo đó hành nghề kiến trúc, môi trường hành nghề kiến trúc và bản quyền, quyền lợi nghĩa vụ phải luật hóa được.

Khi môi trường hành nghề tốt hơn, đội ngũ tư vấn biết tập hợp, biết trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu xã hội, làm cho đất nước tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Xây dựng