Nhếch nhác, xập xệ… những khu tập thể cũ giữa Thủ đô hoa lệ đang trở thành bức tranh phản cảm, gây tâm lý hoang mang cho hàng trăm hộ dân, khi nó đang phải từng ngày “chống nạng” chờ chính sách, chờ doanh nghiệp hay nói đúng hơn là “chờ sập”. Người dân tại các khu tập thể này cũng đã cầu cứu tứ phương, nhưng điều thấy lạ là việc cải tạo xây mới lại chẳng được mấy doanh nghiệp mặn mà, thậm chí có đơn vị đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch nhưng sau đó, họ lại lặng lẽ “rời đi” không rõ nguyên do…


Ẩn sâu trong những công trình tráng lệ, hào nhoáng của Thủ đô là những khu tập thể tồi tàn, ẩn chứa nhiều nguy cơ sập đổ.

Nơm nớp nỗi lo nhà sập giữa Thủ đô

Nghe có vẻ vô lý nhưng đây lại là thực tế này đang diễn ra từng ngày, từng giờ tại các khu đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua. Nhắc đến Hà Nội, người ta vẫn thường kháo nhau về “đặc sản khó ăn” là những khu chung cư cũ được “phủ bì” bằng những khu đô thị, những tòa nhà cao tầng, tráng lệ đến choáng ngợp. Thủ đô đang từng ngày thay da đổi thịt, nhưng có những thứ lại khó thay đổi đến khó lường khiến nhiều người phải thực sự bất ngờ khi nhắc đến.


Ai sẽ đảm bảo cho tính mạng người dân trong những khu tập thể đang “thoi thóp” chờ sập.

Ghé thăm khu tập thể A7 “nổi tiếng” cũ nát, đang “thoi thóp” chờ sập trên phố Nguyễn Chính thuộc phường Tân Mai (Hoàng Mai – Hà Nội) mới thấm thía sự xót xa, kinh sợ của hàng chục hộ dân đang từng giờ phải đối mặt với tử thần nơi đây.

Toàn bộ tòa nhà đã bật móng, nghiêng đổ về phía sau, dù đã được gia cố bằng những khung sắt nhưng vẫn tạo cảm giác ghê sợ cho những người ghé đến.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng trong căn phòng nghiêng nứt của khu tập thể A7, ông Nguyễn Quang Gắng, tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Tân Mai cho biết: Khu tập thể A7 được xây dựng từ đầu năm 1984 thì đến tháng 12/1984 được đưa vào sử dụng.

Việc xây dựng chóng vánh đã khiến nhiều hạng mục của tòa nhà xuống cấp, đặc biệt là sau trận mưa lớn năm 2008, toàn bộ cầu thang và chiếu nghỉ tách đã rời khỏi khối nhà; hệ thống đường ống thoát nước mái tê liệt, nước không thoát được chảy vào các khe kẽ làm phá vỡ kết cấu. Sau nhiều lần cư dân kiến nghị, năm 2010, Cty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã gia cố thêm khung giàn giáo ở khu vực cầu thang để chống đỡ cho tòa nhà.


Ông Nguyễn Quang Gắng tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Tân Mai chỉ ra những vị trí nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập khi có mưa lớn tại khu tập thể A7 Nguyễn Chính.

Ông cũng cho biết: Năm 2011, sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu, thành phố đã giao Cty CP Đầu tư Phát triển và Đô thị HUD6 cho điều tra xã hội học để cải tạo xây dựng lại chung cư này. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, dù đã lập quy hoạch chi tiết, nhưng đơn vị này lại lặng lẽ bỏ cuộc không rõ nguyên do.

“Do việc xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, tháng 4/2016, thành phố có ra văn bản yêu cầu Sở Xây dựng thuê một đơn vị giám định cấp Bộ vào giám định tòa nhà. Sau khi thành phố giám định, họ có gọi tôi lên ký thì được biết tòa nhà này thuộc cấp độ D, cấp độ phải di dời. Tuy nhiên, Sau khi có kết quả này, Sở Xây dựng có thành lập 1 đoàn mang tính phúc tra kết quả giám định. Nhưng lạ là khi xuống phúc tra, các vị này chỉ thăm thú, chứ không có thiết bị đo đạc gì, sau đó vài ngày, họ ra văn bản giám định cấp C chứ không phải cấp D nữa”, ông Nguyễn Quang Gắng nói.


Cty CP Đầu tư Phát triển và Đô thị HUD6 đã có phối cảnh từ chung cư A1 đến A8 Nguyễn Chính (Tân Mai) nhưng rồi cũng “bỏ cuộc”?

Một người dân sống tại khu tập thể này cũng chia sẻ: “Hiện các gia đình có điều kiện, họ đều đã di tản hoặc ra ngoài mua nhà khác để ở, còn hơn 20 hộ chúng tôi vẫn phải “cầm cự” tại đây. Nếu Nhà nước không sớm có những biện pháp giúp đỡ, chia sẻ thì mùa mưa tới, người dân chúng tôi chỉ biết chờ vào may rủi, số phận”.

Chung cảnh ngộ, tại các khu tập thể C5, E6 Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng), người dân cũng đang sống cảnh nơm nớp lo sợ nhà sập, bởi các hạng mục đã xuống cấp ngiêm trọng. Các hộ dân cho biết, nhiều hạng mục đã nứt vỡ, nghiêng đổ, chính quyền cũng nhiều lần đến kiểm tra, bàn bạc nhưng vẫn chưa đưa ra được phương án cụ hỗ trợ cụ thể.

Bà Lan, sống tại khu tập thể E6 Quỳnh Mai cho biết: “Nhà dột nát, nghiêng nứt gây nguy hiểm lắm rồi. Mỗi khi trời mưa, các mảng tường bị ngấm nước rơi xuống, đã có người dân ở khu này bị mảng tường rơi trúng đầu nên mỗi khi có mưa bão, người dân chúng tôi lo lắng vô cùng”.

Cải tạo chung cư cũ “khó như lên giời”

Thực tế cho thấy, chủ trương về cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ đã được bàn bạc, phân tích kỹ lưỡng từ lâu nhưng quá trình thực hiện lại gặp nhiều “trắc trở”, thậm chí “khó như lên giời” bởi những nguyên do liên quan đến cơ chế, lợi ích 3 bên: Nhà nước – người dân –doanh nghiệp. Chính phủ cũng tìm mọi phương án nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia việc cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ nhưng vì nhiều nguyên do nên việc cải tạo, xây dựng vẫn không mấy mặn mà, trong khi hầu hết người dân không đồng thuận, chưa chịu di dời vì cho rằng, phương án đền bù không thỏa đáng.

Theo con số thống kê, hiện cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ (hơn 3 triệu m2 ) được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống, trong đó có trên 100 khối nhà thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm với khoảng 10 nghìn hộ đang sinh sống tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Vinh.

Trong đó, TP Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ 4 – 5 tầng và 10 khu tập thể từ 1 – 3 tầng với diện tích khoảng 1,7 triệu m2 đã bị hư hỏng, xuống cấp cần cải tạo hoặc xây dựng lại. Hiện thành phố mới tổ chức cải tạo xây dựng lại được 9 khối nhà.

TP Hồ Chí Minh có 1.002 nhà chung cư, trong đó có 570 lô chung cư, nhà tập thể xây dựng trước năm 1975. Đến nay mới cải tạo, xây dựng lại 46 khối nhà, trong đó đã hoàn thành được 19 khối nhà với quy mô 2.462 căn hộ.

Những con số nêu trên cũng cho thấy một thực trạng đáng suy ngẫm, bởi việc cải tạo xây mới các khu chung cư cũ đang được triển khai rất chậm, trong khi các khu chung cư thuộc nguy hiểm cấp độ D (cấp độ phải di dời) đang trở thành mối nguy hiểm đối với hàng trăm hộ dân.

Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố cũng có nhiều cơ chế mạnh mẽ như việc cho phép nới chiều cao công trình tại các khu nội đô nhằm thu hút nhà đầu tư nhưng việc triển khai thực hiện vẫn chỉ cầm chừng.

Tìm hiểu được biết, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã hoàn tất việc giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2 – 6 tầng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện sau đó cũng gặp không ít khó khăn.

Khảo sát tại khu chung cư 93 Láng Hạ (L1, L2 khu Nam Thành Công), nơi được Cty CP Vinaconex giao thực hiện cải tạo. Dự án đã được quây tôn, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhưng nhiều hộ dân vẫn kiên quyết bám trụ do không thỏa mãn các phương án đền bù.

Tại các khu tập thể thuộc diện phải di dời khẩn cấp theo Quyết định số 2000/UBND-XDGT, ngày 25/4/2016 của UBND TP Hà Nội gồm đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công (Thành Công – Ba Đình), đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (Ba Đình), đơn nguyên 1 và 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) . Nhưng không ít hộ gia đình tại các khu này lại không chịu di dời vì cho rằng, nhà ở đây vẫn còn tốt nên không phải cơi sửa gì cả.

Nhằm đẩy nhanh chủ trương, tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, năm 2017, Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ theo Quyết định số 2267/QĐ-UBND. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung sẽ làm Trưởng ban; các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Phó Trưởng ban. Tuy nhiên, việc này cũng chưa cho thấy tính hiệu quả, bởi việc cải tạo xây mới lại các khu chung cư cũ tại Hà Nội mới chỉ tính được trên đầu ngón tay và rất khó triển khai.

Báo Xây dựng