Lần này là thanh sắt rơi từ tầng 16 của một công trình ở quận Thanh Xuân (Hà Nội)…
Theo nhà thầu thi công công trình thì đơn vị đã có lỗi chủ quan trong quá trình dịch chuyển thiết bị. Lý do nghe đơn giản nhưng người đi đường thì đã bị họa lớn. Một người mẹ đơn thân đang nuôi con gái sáu tuổi đã chết tức tưởi…
Điều đáng nói là thanh sắt ấy sẽ không thể bay ra khỏi khu vực dự án nếu nhà thầu thực hiện giải pháp quây lưới bảo vệ quanh khu vực giàn giáo thi công. Có nghĩa là các biện pháp kỹ thuật theo lẽ phải được làm và cũng không quá khó để không thể làm nhằm bảo đảm an toàn cho người đi đường cùng các công nhân của công trường đã không được nhà thầu làm.
Thông tin dồn dập từ báo chí về nhiều tai nạn liên quan đến việc thi công công trình trong thời gian gần đây cho thấy bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân! Các hiểm họa khôn lường ở ngay trên đầu, không chỉ là từ cần cẩu, thanh sắt rớt mà còn là những tấm ván dùng làm khuôn đổ bê tông bất ngờ rơi hoặc giàn đỡ bị quá tải… cứ xảy ra nhiều lần, ở nhiều nơi, gieo rắc nhiều nỗi bất an cho cộng đồng.
Hiện trường vụ tai nạn phía dưới công trình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày 27-9. Ảnh: INTERNET
Bất kỳ nhà thầu, chủ đầu tư nào cũng đều phải biết an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình. Thông tư 04/2017 của Bộ Xây dựng đã đề ra nhiều quy định cụ thể để tất cả họ, trong đó có bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu và các cơ quan chuyên môn về xây dựng, có đủ căn cứ thực hiện.
Vì lẽ này, nếu các nhà thầu xây dựng đã không tính toán, hành động đầy đủ để chủ động ngăn chặn những rủi ro buộc phải thấy trước thì đích thị đã có sự thiếu trách nhiệm trong công việc và họ phải bị chế tài nghiêm khắc. Đối với các hậu quả phát sinh, nhà thầu thi công buộc phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn. Không chỉ có vậy, xử lý hình sự còn là hình thức truy cứu cao nhất dành cho hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng của các cá nhân liên can thuộc các nhà thầu ấy.
Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS. Với tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một đến năm năm trong trường hợp làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…
Cần chờ thời gian điều tra nhưng trước tiên phải nhận thấy động thái trên của Công an quận Thanh Xuân là kịp thời, nhất là khi trước đây có một số vụ đồng dạng ít khi bị khởi tố. Nhiều cơ quan pháp luật đã cho đó là tai nạn ngoài ý muốn nên đã không điều tra cho ra lẽ, cùng lắm thì đơn vị có liên quan chỉ bị xử lý hành chính. Trách nhiệm dân sự từ các nhà thầu cũng vì thế mà thường không được truy tới nơi. Lẽ ra phải được bồi thường thỏa đáng thì gia đình nạn nhân chỉ nhận được ít tiền gọi là hỗ trợ và trong một số trường hợp thì như thể là được ban ơn. Sự xuê xoa này đã khiến nghĩa vụ bảo đảm an toàn lao động, an toàn ở nơi đông người bị xem nhẹ, lương tâm của các đơn vị thi công lẫn các cơ quan chuyên môn về xây dựng bị lãng quên…
Mạng người luôn là vô giá. Các nhà thầu, các chủ đầu tư (nói gộp là các đại gia) cùng các cá nhân có liên quan ở các cơ quan quản lý của Nhà nước nếu tiếp tục lơ là về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình khiến người khác bị thương tích hay tử vong… thì cái giá mà họ phải trả sẽ rất lớn chứ không thể khác hơn.
Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh