Ngày 3/7/2020, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng” và hội nghị thường niên Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam lần thứ XVII.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại hội thảo
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng các địa phương và thành viên Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, những năm qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật đối với việc quản lý, sử dụng vật liệu xây và cấu kiện không nung trong công trình xây dựng. Sau một thời gian triển khai quyết liệt các quy định của nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các chủ đầu tư, nhà sản xuất cũng như nhà thầu xây dựng, đưa tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 25%, tương đương 6 – 7 tỉ viên quy tiêu chuẩn/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhiều nước trên thế giới lên tới 50 – 60%.
Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch nung, thông qua việc tăng cường hoàn thiện hành lang pháp lý cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung.
Cục trưởng Phạm Minh Hà phát biểu tại hội thảo
Nhấn mạnh việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, các chủng loại sản phẩm vật liệu, cấu kiện không nung hiện rất đa dạng như: Gạch Block xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp (gạch AAC), gạch bê tông bọt, tấm tường bê tông khí chưng áp, tấm tường bê tông rỗng, tấm tường bê tông polystyron, tấm tường thạch cao, tấm 3D… Các sản phẩm này ngày càng được sử dụng trong các công trình xây dựng quy mô lớn, hiện đại trên khắp cả nước.
Thông qua công tác kiểm tra quá trình thi công và nghiệm thu công trình, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhận thấy công tác quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng và cấu kiện không nung trong công trình xây dựng còn một số tồn tại như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật chưa đầy đủ; các tiêu chuẩn cơ sở được ban hành dễ dàng, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ; việc nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng chưa được quan tâm đúng mức; các đơn vị thiết kế, thi công các loại vật liệu xây không nung thiếu kinh nghiệm; người lao động chưa được đào tạo bài bản… Do đó, thời gian tới, các đơn vị chuyên môn cần đẩy mạnh tham mưu đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế này.
Toàn cảnh hội thảo
Cũng tại hội thảo, nhiều tham luận chuyên sâu xoay quanh chủ đề sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng được các diễn giả trình bày và thảo luận sôi nổi, như: Phát triển vật liệu xây không nung ở Việt Nam; Vật liệu xây dựng và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng – Thực trạng, tồn tại và giải pháp; Hệ thống quản lý chất lượng sản xuất và thi công lắp dựng tấm tường Acotec – Xuân Mai; Gạch không nung: Tình hình sử dụng và quản lý chất lượng; Giải pháp chống nứt, chống thấm, chống nóng mới cho vật liệu không nung; giới thiệu về gạch thạch cao, sản phẩm thân thiện.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng đưa ra một số ý kiến góp ý về sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Có thể nói hội thảo “Sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng” là một trong những sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, trong đó có việc nhận định và đánh giá chính xác thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong việc sử dụng, phát triển vật liệu xây không nung ở Việt Nam hiện nay, làm cơ sở để lựa chọn, đề xuất những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả trong thời gian sớm nhất.
Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng