Việc chế biến thành công cát biển thành cát xây dựng ở Phú Quốc không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng mà còn góp phần giải quyết nạn sạt lở do thiếu hụt trầm tích cho ĐBSCL
Sau hơn một tháng rưỡi đi vào hoạt động (từ ngày 31-7), nhà máy chế biến cát biển thành cát xây dựng đầu tiên của Việt Nam ở ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã cho ra đời những mẻ sản phẩm được các cơ quan chức năng đánh giá đạt tiêu chuẩn xây dựng.
Tốt hơn gấp 3 lần tiêu chuẩn
Đây là nhà máy ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch do kỹ sư Võ Tấn Dũng (ngụ TP Cần Thơ) sáng chế, ủy quyền cho Công ty CP Cát Đá Việt Sàng Rửa Sạch lắp đặt, liên kết với Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Kim Thủy Lâm.
Nhà máy có công suất thiết kế tối đa 200 m3/giờ. Ưu điểm cơ bản của dây chuyền công nghệ này là vận dụng áp lực va đập tách kết cấu tạm thời để rửa sạch muối, loại bỏ tạp chất hữu cơ, sàng lọc phân loại hạt để cho ra các loại cát đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu trộn bê- tông, xây tô và sản xuất công nghiệp nhưng giá thành tương đương với nguồn cát xây dựng thông thường.
Trước khi khánh thành đi vào hoạt động chính thức, đầu năm 2019, ông Dũng đã lắp đặt máy, hoạt động thử nghiệm, có sự thẩm định của các chuyên gia của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST, thuộc Bộ Xây dựng), Viện Chuyên ngành Bê-tông (ICT, thuộc IBST). Nguồn cát nguyên khai vùng biển Phú Quốc đưa vào chế biến cho ra sản phẩm cát đạt tiêu chuẩn cát xây dựng (theo TCVN 7570:2006).
Quá trình sản xuất đại trà của nhà máy cũng được các chuyên gia của ICT đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê-tông và vữa theo yêu cầu kỹ thuật trong TCVN 7570:2006. “Qua các lần kiểm định, chúng tôi xác nhận công nghệ này đã xử lý thành công cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng, tốt hơn gấp 3 lần so với tiêu chuẩn quốc gia quy định” – ông Nguyễn Đức Thắng, nguyên Giám đốc ICT, khẳng định.
Giải quyết nạn sạt lở
Kỹ sư Võ Tấn Dũng cho rằng việc chế biến thành công cát biển thành cát xây dựng sẽ góp phần khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường; tận dụng nguồn cát biển để phục vụ xây dựng các công trình biển đảo, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; phát huy lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; giảm giá thành và chi phí vận chuyển cát trong đầu tư xây dựng công trình đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.
TS Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, khẳng định việc xây dựng nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng tại đảo Phú Quốc không chỉ đáp ứng nhu cầu cát xây dựng cho các dự án đang triển khai rầm rộ tại huyện đảo này mà còn góp phần tích cực giải quyết nạn sạt lở do thiếu hụt trầm tích cho vùng ĐBSCL; tạo một bước đột phá mới trong sản xuất cốt liệu xây dựng tầm quốc gia và các nước trong khu vực.
Theo ông Cung, việc này cũng phù hợp yêu cầu triển khai thực hiện mục tiêu Quyết định 126 của Thủ tướng “về việc phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025”. Nội dung Quyết định 126, nêu rõ: “Nghiên cứu sản xuất các loại vữa trộn sẵn (xây, trát dùng cho bê-tông) và các loại phụ gia có tính năng chống môi trường xâm thực phục vụ các công trình ven biển và hải đảo. Đầu tư cơ sở tuyển rửa, chế biến và sử dụng nguồn cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng công trình ven biển và hải đảo; sản xuất phát triển các loại phụ gia sử dụng cát biển, nước biển nhằm thay thế cát xây dựng khai thác từ sông, suối, lòng sông. Phát triển các loại vật liệu lợp, bao che phù hợp với môi trường thời tiết khí hậu khắc nghiệt của biển, thích hợp với các công trình ven biển và hải đảo”.
Theo các chuyên gia, việc nhà máy chế biến cát biển thành cát xây dựng đạt tiêu chuẩn đi vào hoạt động có ý nghĩa thiết thực khi ĐBSCL đang lo nạn trượt đất và mực nước trên sông Cửu Long thấp kỷ lục, do các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ngày càng nhiều và tác động từ biến đổi khí hậu – nước biển dâng đang diễn biến phức tạp.
Tận dụng nguồn cát cửa sông ở Phú Quốc
Chứng kiến Phú Quốc xảy ra liên tiếp 2 trận ngập lụt kỷ lục vừa qua, ông Võ Tấn Dũng cho rằng sắp tới, ông sẽ liên hệ với các ngành chức năng ở huyện đảo này, đề nghị được nạo vét nguồn cát bị bồi lắng ở cửa sông Dương Đông và các cửa suối lớn để góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt có thể tiếp tục xảy ra ở “đảo ngọc” này. “Nguồn cát này đem đi san lấp mặt bằng thì rất phí, chúng tôi sẽ tận dụng chế biến thành cát xây dựng để vừa tăng giá trị nguồn cát, vừa góp phần khơi thông dòng chảy cho hệ thống sông, suối ở Phú Quốc” – ông Dũng bày tỏ.