Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri đề nghị thực hiện nghiêm túc Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội””.
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội” đã cơ bản xác định các đối tượng cần di dời, nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời và trách nhiệm của các bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính và UBND TP Hà Nội trong thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra ngoài khu vực nội thành.
Đến nay, các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội đã triển khai thực hiện, kết quả cụ thể như sau:
Công tác di dời cơ sở công nghiệp: Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.
Công tác di dời bệnh viện: Hiện nay, Bộ Y tế chưa triển khai lập Đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở bệnh viện, y tế cần phải di dời. UBND TP Hà Nội có chủ trương không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…).
Đồng thời, đã bố trí quỹ đất đất để thực hiện di dời 8 cơ sở bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó 4 cơ sở đã di dời hoặc mở thêm tại địa điểm mới và đi vào sử dụng (Bệnh viện K cơ sở 2, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai). Các cơ sở y tế dự kiến di dời vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân Thủ đô.
Công tác di dời cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành việc lập đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục dạy nghề cần phải di dời. UBND TP Hà Nội đã bố trí 279,5ha cho các khu trường đại học tập trung tại Hòa Lạc. Ngoài ra, nhiều trường đại học đã lập quy hoạch và cơ sở 2 tại các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc).
Công tác di dời trụ sở các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương: Bộ Xây dựng đã hoàn thành đồ án “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030” và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở Bộ, ngành Trung ương và giải quyết những khó khăn về nguồn lực thực hiện, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 91/BC-BXD ngày 14/5/2019 về việc triển khai lập đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Trong đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị để triển khai thực hiện Quy hoạch và Quyết định 130/QĐ-TTg cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành và UBND TP Hà Nội.
Cụ thể, các Bộ, cơ quan đã xây dựng trụ sở tại các vị trí mới khẩn trương bàn giao địa điểm trụ sở cũ cho UBND TP Hà Nội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch chi tiết tại các khu vực có trụ sở cơ quan di dời để lập phương án sử dụng các địa điểm này cho việc bố trí công viên, cây xanh… phù hợp với quy hoạch được duyệt. Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng… tại các khu vực bố trí trụ sở cơ quan Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn UBND TP Hà Nội về việc khai thác quỹ đất từ khu vực dự kiến bố trí trụ sở các cơ quan và các cơ sở cũ của các cơ quan sau di dời.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất việc bố trí nguồn lực cho việc di dời các trụ sở và xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu kết nối khu vực trụ sở mới của các Bộ ngành với các khu vực khác…
Do vậy, Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị của cử tri TP Hà Nội và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, UBND TP Hà Nội để thực hiện nghiêm túc Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Trên đây là nội dung trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội. Bộ Xây dựng chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đối với ngành Xây dựng trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp trong thời gian tới.
Báo xây dựng