Nhiều người dân ở khu vực xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp.HCM cho PV biết như vậy nếu muốn xây nhà mà không có giấy phép!

Muốn xây kiểu nào “cò” chiều kiểu đó.“Mấy chú hỏi đúng người rồi, nhà tui mới xây xong tức thì, vôi vữa còn chưa kịp khô đó. Chú muốn xây kiểu nào có kiểu đó, giá thì dao động từ 200 đến 600 triệu/căn. Như nhà tui đây là hết 600 triệu, chủ thầu bao hết từ A tới Z mình chỉ việc dọn vào nhà ở”.

Nói về xây dựng không phép, trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp không đâu rình rang như ở huyện Bình Chánh. Cho dù những năm qua, các cấp lãnh đạo, các ban ngành liên quan đã nỗ lực rà soát, kiểm tra, cưỡng chế…một số cán bộ đã phải giá bằng nhiều năm tù tội vì bao che, dung túng cho các đối tượng là đầu nậu đất, cò ngang nhiên phân lô, bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp. Những tưởng, sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, phản ánh thường xuyên của báo chí và cả những bức xúc của người dân sẽ phần nào làm giảm đi tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp. Nhưng đó vẫn chỉ là trong suy nghĩ, bởi hàng ngày, hàng giờ các đầu nậu, cò đất vẫn ngang nhiên “bảo kê” cho các công trình xây dựng trái phép một cách vô tội vạ.

Một ngôi nhà đang được xây dựng tại hẻm C5 thuộc tổ 2, Ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B.

Vật liệu xây dựng nằm ngổn trang trước cửa một ngôi nhà chuẩn bị hoàn thành.

Sau khi Môi trường & Đô thị điện tử có loạt bài viết phản ánh về trình trạng xây dựng không phép và những hệ lụy của nó đối với môi trường sống của người dân ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh từ người dân huyện chia sẻ nỗi bức xúc bị dồn nén bấy lâu nay. Sáng 23/11, chúng tôi lại tiếp tục tìm đến Ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B để ghi nhận những thông tin mà người dân cung cấp về việc hàng loạt ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng không phép.

Đứng trước con hẻm C5, tổ 2, ấp 3A, trong vai người cần tìm mua đất làm nhà chúng tôi bắt chuyện với người đàn ông trung niên có tên S. Ông S nhiệt tình dẫn chúng tôi đến mảnh đất đang bỏ hoang liền kề mấy ngôi nhà vừa mới xây dựng xong. “Nghe đâu miếng đất này người ta đang rao bán, họ vừa phân lô bán cho một số hộ dân, còn miếng này mấy chú liên hệ người ta xem thế nào. Được thì về cất nhà làm hàng xóm với nhau cho đông vui”. Ông S, vui vẻ cho biết.

Thấy chúng tôi lo ngại về việc xây dựng trên đất nông nghiệp gặp nhiều nhiêu khê, ông S cười giòn rồi trấn an. “Sợ không có tiền thôi, có tiền muốn xây cỡ nào mà không được. Như nhà tôi đây mới xây xong tức thì, vôi vữa còn chưa kịp khô đó. Chú muốn xây kiểu nào có kiểu đó, giá thì dao động từ 200 đến 600 triệu/căn. Như nhà tui đây là hết 600 triệu, chủ thầu bao hết từ A tới Z mình chỉ việc dọn vào nhà ở”. Dứt lời, ông S chỉ tay về ngôi nhà bề thế trước mặt rồi nói tiếp. “Nhà đó của ông Hai Tr, ông đó là “ông nội” của cả cái vùng này. Ai xây không được chứ vô tay Hai Tr là êm xuôi hết, hơi tốn kém chút thôi nhưng gọn lẹ lắm”.

Như để dẫn chứng cho những lời nói của mình là thật, ông S chỉ cho chúng tôi 3 ngôi nhà đang sửa chữa cũng như xây dựng mới hoàn toàn. Ngôi nhà thứ nhất nằm sâu trong hẻm, kế căn nhà có số C5/25FT (tổ 2, ấp 3a) đang được một nhóm người khẩn trương xây dựng, vật liệu đổ ngổn trang chiếm hết lối đi. Tiếp đó, một ngôi nhà đang được xây mới hoàn toàn nằm bên hông căn nhà có số C5/26Q5, ngôi nhà đã hoàn thành lầu 1 và đang tiến hành xây lầu 2. Ngôi nhà đang xây này được người dân cho biết là cháu của “ông trùm xây dựng” Hai Tr nên mới “đủ lực” cất 2-3 tấm. Cách đó chừng mấy chục mét, một ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện nằm cận số nhà C5/26A/7 được che chắn kín đáo bằng tôn và ván gỗ cũ. Chỉ với bán kính chưa đầy 0.5km, đã có đến 3 ngôi nhà đang trong quá trình sửa chữa cũng như xây mới, bất kể việc làm trên là vi phạm pháp luật.

Ngôi nhà bề thế được người dân cho biết là của “ông trùm xây dựng” Hai Tr.

Đống gạch còn sót lại từ một ngôi nhà vừa mới được xây dựng hoàn thành.

Cán bộ trật tự đô thị có “làm ngơ” trước các sai phạm?.

Khi chúng tôi đang tìm hiểu về những ngôi nhà đang xây dựng trái phép, một nhóm gồm 4 người (người dân cho biết đó là cán bộ quản lý trật tự đô thị xã Vĩnh Lộc B) dừng trước ngã 3 con hẻm C5. Họ dừng xe, ngó nghiêng chốc lát rồi phóng đi. “Họ là cán bộ quản lý trật tự đô thị của xã đó, hẻm hóc nào có xây dựng là có mặt họ. Mấy căn nhà đang xây dở đó chắc chung chi rồi nên mới yên chuyện chứ dễ gì bỏ đi như vậy”. Anh M – người địa phương ở gần đó cho biết.

Chúng tôi cũng lấy làm lạ, bởi nhóm người được cho là cán bộ trật tự đô thị này khi đến chỉ lướt qua những ngôi nhà đang xây dựng trái phép như không hề nhìn thấy gì. Trong khi, 2 trong số 3 căn nhà đó thì công nhân đang gấp rút thi công, vật liệu xây dựng được đổ ngay ra đường chiếm hết lối đi của người dân.

Người dân ở đó nói gì?

“Nhà tôi ở đây đã mấy đời, có miếng đất ông bà để lại cho con cháu giờ muốn dựng lên căn nhà tạm bợ để làm nơi trú mưa trú nắng mà hết lần nầy đến lần nọ họ xuống làm khó, không cho dựng mái tôn. Trong khi đó, người ở đâu đến thì mua đất xây nhà dễ như chơi. Năm lần bảy lượt tôi lên UBND xã Vĩnh Lộc B để khiếu kiện, chất vấn nhưng kết quả vẫn không thay đổi”. Anh T, bức xúc khi đất của mình được ông bà để lại thì không được phép xây dựng, còn kế bên thì mua đất, xây nhà không ai hỏi han gì.

Nhóm người được cho là cán bộ quản lý trật tự đô thị xã Vĩnh Lộc B đi ngang qua những ngôi nhà đang xây dựng trái phép.

Anh M, gắn bó hơn nửa đời người ở đây cho biết. “Ở đâu tôi không biết chứ ở đây muốn làm gì thì phải chi tiền. Chung chi cũng phải biết người, biết cách chứ không là tiền mất tật mang. Mấy chú đừng có tin mấy cái văn bản cưỡng chế mà họ đưa ra. Họ cho dựng lên mấy ngôi nhà lợp tôn đơn giản rồi kéo nhau đi cưỡng chế. Đó chỉ là chiêu thức cho có số liệu để báo cáo thôi, chứ mấy đời họ cưỡng chế được ngôi nhà nào được xây dựng khang trang đâu”.

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.