Tình trạng mất an toàn tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang ở mức báo động khi mới đây liên tiếp xảy ra sự cố sập giàn giáo khiến nhiều người thương vong. Nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động tái diễn, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ việc bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình.
Mới đây, căn nhà 4 tầng đang thi công sửa chữa trong hẻm đường Tôn Thất Tùng (quận 1) bất ngờ đổ sập phần mái, kéo theo bê tông và giàn giáo cùng sập khiến một người thiệt mạng. Trước đó chỉ vài ngày, tại huyện Bình Chánh cũng đã xảy ra sập giàn giáo tại một trường tiểu học trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A khiến nhiều học sinh bị thương.
Thời gian gần đây, tình trạng mất an toàn tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang ở mức báo động, đe dọa đến tính mạng của người dân. Sự cố sập giàn giáo không chỉ xảy ra ở các công trình nhà ở đơn lẻ, nhà do người dân xây mà còn ở các dự án chung cư, trung tâm thương mại. Anh N.D.M (nạn nhân một vụ tai nạn ngã từ công trình xây dựng cao tầng mới đây) cho biết, dù làm việc trong môi trường thiếu an toàn nhưng vì mưu sinh nên anh và nhiều đồng nghiệp khác đành chấp nhận. “Một bộ phận công nhân xây dựng làm việc trên cao không thắt dây an toàn, nguyên nhân có thể do nhà thầu không trang bị, cũng có thể do sự chủ quan của mỗi công nhân”, anh M. phản ánh về môi trường làm việc của nhiều công nhân xây dựng hiện nay.
Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 địa phương đứng đầu cả nước về số người chết do tai nạn lao động. Trong khi đó, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động trong thời gian qua trên địa bàn thành phố là do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng; nhiều trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số các vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 67%). Nguyên nhân chủ yếu do điện giật, ngã từ trên cao.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 400.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với hơn 4,5 triệu lao động đang làm việc. Vì vậy, rất khó để kiểm tra thường xuyên công tác bảo đảm an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thay vào đó, cơ quan có thẩm quyền đã tăng cường giám sát chặt chẽ các công ty hoạt động kiểm định kỹ thuật và huấn luyện an toàn lao động.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thanh tra 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thì 2 doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động phải tước giấy phép. Đây là thực tế đáng báo động.
Ngoài chấn chỉnh lại điều kiện hoạt động của các công ty kiểm định kỹ thuật và huấn luyện an toàn lao động, trong thời gian tới, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thanh tra trên phạm vi rộng hơn đối với các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động nhằm ngăn ngừa tai nạn tái diễn trong tương lai. Bên cạnh đó, sẽ xử nghiêm các doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp để xảy ra tai nạn nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Trước tình hình tai nạn lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng đang diễn biến phức tạp, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất thuộc các ngành, lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao, nhất là trong xây dựng chung cư cao tầng.
Hanoimoi