Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, TP Đà Nẵng.


Cảng Liên Chiểu. (Nguồn: CafeLand)

Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 11195/BGTVT-KHĐT ngày 03/10/2018 của Bộ Giao thông vận tải đề nghị góp ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, TP Đà Nẵng gửi kèm Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình Bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung do Cty CP Tư vấn xây dựng cảng – Đường thủy lập tháng 10/2018.

Về đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng là Cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, theo Bộ Xây dựng: Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, Bộ Xây dựng ủng hộ UBND TP Đà Nẵng là Cơ quan chủ quản và sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Đà Nẵng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Theo nội dung Hồ sơ gửi kèm Văn bản số 11195/BGTVT-KHĐT ngày 03/10/2018 của Bộ Giao thông vận tải thì Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, TP Đà Nẵng được lập về cơ bản phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Trong Quyết định số 1037/QĐ-TTg đã quy định: “Khu bến Liên Chiểu trước mắt có chức năng chính là chuyên dùng hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại đây. Về lâu dài (sau năm 2020) sẽ từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (nếu có điều kiện), tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU”. Hiện nay, Khu bến Liên Chiểu được đề xuất là bến container và hàng tổng hợp. Do vậy cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về vấn đề này để nâng cao tính khả thi của dự án.

Bên cạnh đó, do quy hoạch xây dựng Bến cảng Liên Chiểu đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt ngày 17/7/2006 tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND nên để đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế hiện nay, quy hoạch xây dựng Bến cảng Liên Chiểu cần được rà soát, cập nhật những nội dung đã được quy định tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Ngoài ra, về đầu tư xây dựng công trình: Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án được lập cơ bản phù hợp với các quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên để hoàn chỉnh, cần lưu ý một số nội dung: Do Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, TP Đà Nẵng gửi kèm Văn bản số 11195/BGTVT-KHĐT ngày 03/10/2018 có bao gồm cả các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến (sử dụng nguồn vốn khác) nên cần rà soát, hoàn chỉnh những nội dung liên quan đến các hạng mục này nhằm đảm bảo tính đồng bộ của dự án theo quy định để đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư của dự án theo quy định.

Không chỉ vậy, về phương pháp tính toán: Cần xem xét vùng hấp dẫn và tỷ trọng thu hút vận tải đường biển của Bến cảng Liên Chiểu đối với các tỉnh thuộc vùng hấp dẫn cấp 2 liên quan. Lưu ý khả năng tiếp nhận, đáp ứng vận tải của ga Kim Liên đối với lượng hàng hóa rời và tổng hợp từ Bến cảng Liên Chiểu.

Hơn nữa, công trình hạ tầng kỹ thuật trong cảng và bảo vệ môi trường cần đảm bảo đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và yếu tố đấu nối có xét đến tầm nhìn năm 2030. Cần có biện pháp xử lý nước thải của hoạt động sửa chữa, vệ sinh container trước khi xả ra điểm tiếp nhận; Về mô hình tổ chức quản lý, khai thác Bến cảng Liên Chiểu: Cần có định hướng khi Bến cảng Liên Chiểu trở thành cảng cửa ngõ quốc tế thì mô hình tổ chức quản lý khai thác phải thống nhất với các cảng cửa ngõ quốc tế của Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Văn bản số 366/TB-VPCP ngày 22/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Hiện nay, sơ bộ tổng mức đầu tư được lập với cơ cấu tổng mức đầu tư phù hợp các quy định hiện hành. Tuy nhiên, nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Theo Báo Xây dựng