Cam kết về quy chuẩn, pháp lý cho condotel, officetel được ông Phạm Hồng Hà đưa ra sau khi bị các đại biểu yêu cầu phải trả lời rõ “khi nào có”.

Nhóm nội dung vấn đề Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà:

– Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

– Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa).

– Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

  • Trong năm 2019 sẽ có quy chuẩn về condotel, officetel 

    Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel). Bà cũng đề nghị được biết khi nào có pháp lý cho các loại hình này.

    Trả lời đại biểu Hạnh, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…). Ông khẳng định tiêu chuẩn, quy chuẩn này sẽ được ban hành trong năm 2019. Đồng thời, ông cũng bổ sung, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.

  • Huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội ‘còn nặng về bao cấp’

    Ông Nguyễn Văn Dành – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương lo ngại tình trạng bất động sản sốt nóng; nguồn cung nhà ở xã hội, thu nhập thấp còn thiếu trong khi nhu cầu lớn. “Giải pháp bứt phá gì với loại hình bất động sản này?”, ông hỏi. 

    Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn ra nguyên nhân “địa phương chưa quan tâm hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật”. Nhiều địa phương chưa quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội và hiện thiếu nguồn vốn hỗ trợ lãi suất vay mua nhà ở xã hội.

    Ông dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ làm 2 việc, là tạo nguồn cung nhà ở xã hội và hỗ trợ tài chính cho người mua. Nhưng với Việt Nam, hệ thống chính sách nhà ở xã hội còn phân tán, việc huy động nguồn lực còn nặng về bao cấp, chưa sử dụng nguồn lực đất đai tương xứng phát triển nhà ở xã hội.

    Ngoài ra, việc khống chế tỷ suất lợi nhuận khi doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội chỉ 10%, nên không khuyến khích doanh nghiệp.

    Trước tình hình đó, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, sẽ tham mưu Chính phủ giải quyết căn bản phương thức nhà ở xã hội. Cùng đó, bổ sung giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội.

  • Thừa bất động sản phân khúc cao, thiếu nhà ở thu nhập thấp

    Trước chất vấn về giá bất động sản và nguy cơ rủi ro của thị trường, ông Phạm Hồng Hà lý giải do có sự chưa đồng bộ của thể chế, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật của các lĩnh vực khác.

    Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.

    Hanoi-sky-2-gianghuy600-4691-1559637401.

    Thị trường bất động sản Hà Nội sau nhiều năm vẫn thiếu nhà ở xã hội, thừa phân khúc cao cấp. Ảnh: Giang Huy.

    Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ.

    “Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản”, ông Hà nói. Ông cũng cho biết, hiện có nghị định của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng thực tiễn thực hiện chậm, hệ thống thông tin chưa đồng bộ.

    Ông Hà nêu thực trạng các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường bất động sản, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian.

    “Để đảm bảo thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa”, ông Hà nói.

  • Bộ trưởng Xây dựng: Còn tuỳ tiện trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng 

    Ông Lê Thanh Vân –  Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đặt câu hỏi: “Vì sao bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam vốn là trọng tâm của kiến trúc xây dựng đã được xem là chậm nhưng vẫn chưa được sửa đổi bổ sung”.

    Trả lời, ông Phạm Hồng Hà cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn bổ sung. Năm 2020 sẽ có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn mới trong xây dựng. Tuy nhiên, hệ thống quy chuẩn phân tán, nhiều nội dung trùng lặp và nhiều Bộ cùng quản. “Còn tuỳ tiện trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn do quá trình kiểm soát của cơ quan lập dự án chưa tốt”, ông thừa nhận.

    Riêng năm 2019, ông cho biết sẽ sửa đổi 4 tiêu chuẩn, quy chuẩn là quy chuẩn về quy hoạch đô thị; nhà ở; cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy.

  • Việc di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội rất chậm

    Trước ý kiến về sự chậm trễ trong di dời các Bộ, ngành, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng việc này liên quan tới nhiều cơ quan. Ông giải thích, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.

    “Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức… đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Bộ Lao động chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời”, ông Hà cho hay.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các Bộ để đánh giá vì sao di dời chậm và giải pháp ra sao.

  • ‘Thí điểm mô hình đội quản lý trật tự xây dựng cấp phường để rà soát vi phạm’

    Nói thêm về vi phạm trật tự xây dựng, ông Hà cho biết, quy định pháp luật đã có đủ song thực tế, hành vi vi phạm không phép, sai phép “đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây ra lệch lạc trong hoạt động xây dựng”.

    Nguyên nhân được tư lệnh ngành xây dựng đưa ra, là địa phương chưa quan tâm đúng mức tới quản lý trật tự xây dựng. Thanh tra xây dựng còn mỏng, một bộ phận cán bộ thanh tra chưa đáp ứng nhu cầu. Tại một số địa phương quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chậm, chưa được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng tới quản lý trật tự xây dựng. 

    “Ý thức chấp hành của doanh nghiệp, người dân chưa tốt. Nhiều trường hợp bị phát hiện, nhưng vẫn cố tình vi phạm”, ông đánh giá.

    Về giải pháp, ông Hà nói ngoài tiếp tục hoàn thiện pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất mô hình tổ chức thanh tra xây dựng đô thị phù hợp hơn. Cụ thể, Thủ tướng đã đồng ý thực hiện thí điểm mô hình đội quản lý trật tự xây dựng cấp phường để gắn chặt hơn với chính quyền. Sau khi thí điểm ở Hà Nội và TP HCM, Bộ sẽ đánh giá, tổng kết và có đề xuất nhân rộng.

  • Chất lượng quy hoạch thấp, chưa dự báo tốc độ phát triển kinh tế

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn về vấn đề tổ chức đô thị hiện nay, chưa có sự kiểm soát dẫn đến thực trạng nhà siêu mỏng. “Trách nhiệm của Bộ Xây dựng thế nào và bao lâu nữa giải quyết được vấn đề này”, bà Thuý nói.

    Về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng cho hay trong những năm qua, quá trình đô thị hoá nhanh chóng đã đạt được kết quả tích cực. Hiện Việt Nam có 828 đô thị, tốc độ đô thị hoá đạt 38,5%, các đô thị phát triển nhanh chóng, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, khu vực đô thị chiếm tỷ trọng cao ở tất cả chỉ số chủ yếu nền kinh tế, đời sống người dân được nâng cao.

    Nhưng Bộ trưởng cũng thừa nhận các tồn tại đại biểu Thuý nêu. Nguyên nhân theo ông Hà là ở khâu quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch bộc lộ hạn chế, trong đó chất lượng quy hoạch còn thấp, một số dự báo chưa đúng tốc độ tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó tính toán sai cấu trúc, không gian, chỉ tiêu về hạ tầng. Điều này dẫn tới dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch.

    Bên cạnh đó, chất lượng đồ án quy hoạch thiếu điều kiện thực hiện, vẽ ra nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, nguồn lực giải phóng mặt bằng nhưng thực tế lại rất phức tạp. Chất lượng quy hoạch thấp do hệ thống quy chuẩn, đơn giá, kỹ thuật xây dựng lạc hậu, nên tính toán quy hoạch có sai sót. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch cũng hạn chế, chậm xây dựng, kế hoạch sơ sài. Việc cắm mốc thực địa, công khai quy hoạch, thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc sau quy hoạch còn kém.

    “Dù có cố gắng, cơ quan quản lý địa phương vẫn còn hạn chế trong kiểm soát trật tự xây dựng đô thị nên xảy ra tình trạng xây nhà cao tầng trong nội đô, khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng”, Bộ trưởng Xây dựng cho hay.

    Các giải pháp được Bộ trưởng Xây dựng đưa ra là đảm bảo tính khả thi, kiểm soát thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch, tăng cường quản lý, công bố công khai quy hoạch, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.

    “Tôi cũng như cử tri và nhân dân mong muốn sớm hạn chế tiêu cực trong phát triển đô thị. Tới đây, khi hoàn thiện pháp luật, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì những hạn chế sẽ giảm đi”, ông Hà nói.

  • Đại biểu ‘truy’ trách nhiệm về xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực, HH Linh Đàm

    Là đại biểu đầu tiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Kim Thuý – Uỷ viên Uỷ ban các vấn đề xã hội chất vấn chuyện các khu đô thị xây dựng tràn lan không có người ở, nhà siêu mỏng, siêu méo “mọc” ở nhiều đô thị mà chưa được khắc phục. “Người dân và Quốc hội cần chờ thời gian bao lâu để giải quyết căn bản tình trạng này”, bà hỏi.

    Ông Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nói về tình trạng vi phạm quy hoạch, quản lý đô thị. Ông Hồng cũng đề nghị Bộ trưởng có cam kết trách nhiệm trong phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.

    Trả lời về nội dung này, ông Phạm Hồng Hà khẳng định “xử lý vi phạm các dự án này là trách nhiệm xử lý của TP Hà Nội”. 

    phh-600-7261-1559635007.jpg

    Ông Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn Quốc hội chiều 4/6.

    Ông cho biết, Hà  Nội đang phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Khi cưỡng chế phá dỡ phần theo chiều dọc, có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình. “Ở phần này, Bộ Xây dựng sẵn sàng giúp TP Hà Nội nếu được yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý cho tốt hơn”, ông nói.

    Với vi phạm tại dự án HH Linh Đàm, ông Hà một lần nữa nhấn mạnh “đây là trách nhiệm xử lý của Hà Nội không phải của Bộ Xây dựng”.

    Không đồng tình với phần với trả lời của ông Hà, ông Hồng giơ biển tranh luận. “Bộ trưởng nói Hà Nội yêu cầu thì Bộ sẽ giúp. Như vậy thì không đúng vai trò của một bộ quản lý nhà nước”, ông Hồng nói và cũng đề nghị được biết rõ “bao giờ sẽ xử lý sai phạm tại khu HH Linh Đàm”

    Đại biểu này cũng đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cam kết xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.

    Giải thích sau đó cho đại biểu, ông Phạm Hồng Hà cho biết, từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định nhà nước cùng với Sở Xây dựng đánh giá kết cấu chịu lực. “Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”, ông Hà nói.

  • Bộ trưởng Xây dựng: ‘Ngành còn nhiều hạn chế’

    53 đại biểu đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng. Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, vừa qua, ngành xây dựng và Bộ Xây dựng luôn cố gắng đạt nhiều kết quả quan trọng trong quản lý nhà nước về xây dựng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, ngành cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại.

    “Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về các hạn chế tồn tại này nên đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng và sớm khắc phục các hạn chế”, Bộ trưởng Xây dựng nói.